Cửu Trọng Tử

Chương 06 - 10


2 năm

trướctiếp

Chương 6: Đậu gia

Tổ tiên của Đậu Chiêu là người bán hàng rong, cơ duyên xảo hợp nên kết duyên với một a hoàn của một nhà buôn bán ở trấn trên. Ông dùng của hồi môn của thê tử là mười lạng bạc mua một mẫu ruộng ở thôn Bắc Lâu của huyện Chân Định, từ đó về sau an cư lạc nghiệp ở đó, cuộc sống phát đạt.

Đây là nguồn gốc của họ Đậu tiếng tăm lừng lẫy Bắc Lâu.

Cụ cố của Đậu Chiêu khi mới mười tuổi đã làm học đồ trong cửa hàng tơ lụa Lão Đông Gia, mười bốn tuổi học xong, hai mươi tuổi đã thành nhị chưởng quầy của cửa hàng lụa. Ông chủ định gả a hoàn bên người của con gái mình cho ông nhưng ông không muốn đời sau của mình cũng phải làm người hầu nên đã lấy con gái của một Tú Tài ở trấn Tây là Hách thị làm vợ.

Năm hai mươi mốt tuổi, ông lấy tiền tiết kiệm của mình, gom được tám lạng bạc làm sính lễ hỏi cưới Hách thị, cũng mất luôn chức nhị chưởng quầy.

Ông dẫn Hách thị trở về thôn Bắc Lâu, tiếp nhận gánh hàng rong của phụ thân và cả ba mươi mẫu ruộng do phụ thân cực nhọc dành dụm cả đời. Ngày mùa làm nông, ngày nông nhàn thì đi bán hàng rong khắp nơi.

Mùa hè năm sau, Hách thị sinh cho ông một cậu nhóc béo mập.

Ông gặp một người bán dạo bông vải.

Là loại bông của phủ Chân Định.

Người đó muốn tìm một nhà nông bản địa thu mua bông giúp mình.

Ông tự tiến cử, dựa vào bản lĩnh khi còn ở cửa hàng bán vải, chỉ cần thoáng nhìn là biết hàng thật hay hàng giả, vừa chạm vào cũng biết được có cân thiếu hay không, còn có thể tính toán rất nhanh.

Mùa hè trôi qua, ngoài thù lao đã thỏa thuận, thương nhân kia còn thưởng thêm cho cụ cố của Đậu Chiêu mười lạng bạc, hơn nữa còn hẹn sang năm sẽ lại hợp tác.

Đến mùa đông, cụ cố của Đậu Chiêu đi khắp huyện Chân Định. Đợi đến mùa hè năm sau, nhà ai có bao nhiêu bông, bông tốt hay xấu, tính tình trung thực hay không đều rõ ràng: thu bông, cân, tính toán sổ sách, nhập kho đều làm không sai chút nào. Thương nhân kia chỉ cần ngồi uống trà, quạt mát là được.

- Xem ra có ta hay không cũng đều vậy cả, ta ở đây còn tốn tiền trọ, tiền cơm.

Thương gia kia bàn bạc với cụ cố của Đậu Chiêu:

- Ta có một ý này. Ta sẽ ứng tiền trước cho ngươi. Ngươi thu bông rồi đưa đến chỗ ta, chúng ta cùng kết toán, ngươi cảm thấy thế nào?

Nhà họ Đậu chính là dựa vào việc thu mua bông mà phất.

Đợi đến đời cao tổ phụ (ông sơ) của Đậu Chiêu, nhà họ Đậu đã chở bông đến Giang Nam đổi lấy tơ lụa Giang Nam, đem lụa Giang Nam đến Tứ Xuyên bán đổi lấy dược liệu rồi lại đem dược liệu đó lên kinh thành đổi trang sức, đem về bán cho quan lại và nhà giàu ở phủ Chân Định.

Cao tổ phụ của Đậu Chiêu chỉ cần chuyên chú đọc sách, thi đậu công danh. Nhưng dù ông có buộc tóc lên xà nhà hay dùng dùi tự đâm* thì cũng chỉ thi đậu tú tài.

( Đây là hai điển tích khi nhắc đến những người hiếu học, vượt khó để học hành:

Tô Tần (苏秦) thời Chiến quốc dốc chí đọc sách, thường đọc đến đêm khuya. Mỗi khi buồn ngủ, dùng chuỳ đâm vào bắp vế mình để tỉnh ngủ, học tập rất kiên trì, cuối cùng có được tri thức uyên bác.

Tôn Kính (孙敬) thời Hán, thường đọc sách đến nửa đêm. Để tránh buồn ngủ, ông buộc lên xà nhà một sợi dây, rồi buộc tóc mình vào đó. Chỉ cần gục đầu lập tức dây kéo ngược tóc lên, lại tiếp tục đọc.)

Nhưng điều này cũng không gây trở ngại đến việc ông lấy con gái của cử nhân họ Triệu ở thôn An Hương huyện bên làm vợ.

Triệu gia lại khác với Đậu gia!

Người ta có gia phả hẳn hoi.

Trong nhà tuy chỉ có một trăm hai mươi mẫu ruộng nhưng tổ tiên nhà người ta có thể kể ngược về đến thời Chu Mục vương. Hơn nữa, họ Triệu là họ của triều đại trước, sau khi triều đại thay đổi, tổ tiên Triệu gia chuyển từ cố đô Biện Kinh về đây.

Triệu thị ở An Hương cũng chính là quê ngoại của Đậu Chiêu.

Sau khi cao tổ phụ của Đậu Chiêu và Triệu thị thành thân, sinh được hai con trai. Con trưởng là Đậu Hoán Thành, con thứ là Đậu Diệu Thành.

Hai huynh đệ từ nhỏ đã có trí tuệ hơn người, theo học ông ngoại là cử nhân họ Triệu, lớn lên được đến Quốc tử giám ở kinh thành để học hành.

Năm Chí Đức thứ mười ba, hai anh em cùng đề tên trong bảng vàng.

Anh cả đứng thứ ba, em đứng thứ ba mươi bảy.

Bấy giờ, dòng họ Đậu mới thật sự là phú quý.

Sau này anh cả thi đỗ chức quan, ở lại Hàn Lâm viện, em trai thì làm huyện lệnh huyện Tiến Hiền phủ Nam Xương.

Cuối cùng cao tổ phụ của Đậu Chiêu bạc mệnh, vinh quang chưa được mấy năm thì đã cưỡi hạc bay đi.

Lúc chết hai con không có ở bên.

Hai huynh đệ về quê chịu tang, sau khi mãn tang về kinh nhận công việc.

Anh cả là thứ cát sĩ từng làm ở Hành Nhân ti, nhanh chóng kiếm được chức ngự sử ở Đô Sát viện. Em thì mất hơn nửa năm mới được anh giúp đỡ nhậm chức ở Án Sát ti ở Vân Nam.

Trong ấn tượng của người em, Vân Nam là vùng khỉ ho cò gáy, chướng khí mù mịt, có người trên đường đi nhậm chức bị bạo bệnh qua đời, căn bản đó không phải là chỗ cho người ở.

Nếu tiếp tục ở lại kinh thành chờ, thứ nhất hai huynh đệ vừa mới bước vào con đường công danh, chưa chắc chuyện tốt gì cũng có thể tới tay; Thứ hai, quan lại ba năm thăng cấp một lần, chờ đến lúc ông kiếm được chức quan tốt thì đại ca đã làm quan lục phẩm.

Càng nghĩ càng cảm thấy vô nghĩa nên đơn giản là từ quan về huyện Chân Định.

Triệu thị sống vừa vẻ vang vừa thoải mái, nếu nói có gì thiếu sót thì chính là hai đứa con đều làm quan ở ngoài. Bà sợ khi mình qua đời cũng giống chồng, không được gặp mặt con trước lúc lâm chung.

Đậu Diệu Thành về quê, đương nhiên bà rất tán thành.

Dù sao con cả làm quan thuận lợi, con thứ trở về báo hiếu bà, còn có thể giúp bà quán xuyến gia đình.

Đậu Diệu Thành thi đỗ tiến sĩ so với tổ tiên Đậu gia xuất phát từ buôn bán đương nhiên là có sự khác biệt.

Bạc kiếm được ở kinh thành không dùng để buôn mà là để cho vay hoặc để xã giao cầu quan cầu chức, tặng quà cho các quan lại. Sau này rút khỏi quan trường, Đậu gia bắt đầu nhúng tay vào việc dẫn muối Nam Giang, chuyển lương thảo cho biên giới hay vật liệu xây dựng đê, đập...

Bạc như nước chảy vào khiến Triệu thị và Đậu Hoán Thành hoa cả mắt, run cả người.

Đậu Hoán Thành làm đến hữu thiêm sự của Đô sát viện đã nhiều lần nói với em trai: "Trăng tròn lại khuyến, nước đầy thì tràn, đệ nên cẩn thận".

Đậu Diệu Thành lơ đễnh: "To gan thì giàu, nhát gan thì đói. Đệ cũng chỉ là cáo mượn oai hùm thôi. Huynh là trí sĩ, chuyện mua bán gì đó đệ sẽ không làm".

Đậu Hoán Thành lại cho rằng tiền kiếm được không sạch sẽ: "Buôn bán như trước tốt xấu gì cũng là tiền vất vả kiếm được. Đệ như vậy là cấu kết với gian quan! Là vấn nạn của đất nước!"

Đậu Diêu Thành coi khinh: "Giờ đại ca chê tiền bẩn rồi à? Lúc đại ca mua đồ đắt tiền thì sao không chê tiền bẩn? Lúc muốn giúp đỡ con cái của đồng liêu khi người ta qua đời thì sao không chê tiền bẩn?..."

"Đệ!" Đậu Hoán Thành giận đến môi run run.

Hai huynh đệ bực bội giải tán.

Triệu thị nhìn cũng rất buồn, khuyên Đậu Diệu Thành: "Con nghe đại ca còn đi! Nó làm việc ở Đô Sát viện, thấy được nhiều chuyện, sẽ không hại con đâu".

Đậu Diệu Thành không muốn mẫu thân lo lắng nhưng cũng không muốn cúi đầu với đại ca, thuận miệng nói: "Mẫu thân xem, chức tước như vậy ai mà chẳng tranh nhau nịnh bợ? Không cần mở miệng cũng có người mang bạc đến cho mà sống, còn sợ nhiều cơ. Con đâu giống đại ca, ngày nào không kiếm được bạc thì ngày đó ăn gì mà sống."

Triệu thị thấy có lý, cười nói: "Con tưởng mẫu thân hồ đồ à!". Trong lòng nghĩ, bổng lộc của con cả không cao mà mỗi lần về hiếu kính bà toàn nhân sâm, tổ yến, châu báu, ngọc thạch, vợ con nó xiêm áo bốn mùa là lượt, xem ra sống rất tốt. Con lớn nói có đạo lý nhưng con thứ làm ăn cũng không dễ dàng gì. Lần trước đến phủ Tùng Giang, vì để xã giao với đám quan lại, ngửi mùi rượu thôi người đã không thoải mái rồi. Cho dù là thế nhưng con thứ cũng chưa bao giờ tích bạc làm của riêng, tất cả đều giao ra, chia lời cho cả con cả.

Nghĩ như vậy lại thương con thứ.

Có chức tước hay không có chức tước rất khác biệt.

Nếu không vì sao con người vỡ đầu mẻ trán cũng phải cầu chức vị?

Bà dần dần chỉ thương cho đứa con út ngày ngày hỏi han ân cần, hiếu thảo với mình.

Bản thân Đậu Diệu Thành từ quan về buôn bán, lại có được người giỏi giúp đỡ, càng làm càng lớn, tâm tư dần đặt vào sự hưởng thụ.

Ban đầu chỉ là kéo bè kết bạn, nâng cốc vui vẻ, sau này bắt đầu xem hát vườn lê, cưỡi ngựa vườn liễu.

Triệu thị khuyên con: "Con là người đứng đắn, sao có thể cùng đám nữ nhân buôn bán nhỏ uống rượu cùng bàn? Không bằng mua vài đứa lanh lợi về, mời người đến dạy, tự mình nuôi lấy một gánh hát, vừa được thể diện vừa được giải sầu, lễ tết còn có thể vui vẻ hơn".

Có lời này của mẫu thân thì Đậu Diệu Thành còn phải nể nang gì ai?

Ông càng chơi bời càng hoang đường.

Mâu thuẫn giữa hai huynh đệ càng lúc càng sâu.

Triệu thị không muốn vậy, xin ý kiến ca ca của mình.

Triệu cữu cữu nghĩ nghĩ rồi nói:

- Thân huynh đệ, tính toán sổ sách minh bạch. Không bằng nhân lúc muội còn quản gia để bọn chúng chia nhau mà sống, ai lo phần người đấy, chẳng dây dưa gì nữa.

Triệu thị suy nghĩ hồi lâu rồi hạ quyết tâm:

- So với việc bọn chúng tranh nhau gia sản sau khi muội qua đời thì tốt hơn nhiều. Muội sẽ chịu cái tiếng ở riêng này. Dù sao muội cũng gần đất xa trời rồi.

Sau đó gọi con cả về:

- ... Đừng vì mấy việc nhỏ mà khắc khẩu nhau mãi.

- Mẫu thân, đây không phải là việc nhỏ.

Đậu Hoán Thành không đồng ý ở riêng, muốn thuyết phục mẫu thân:

- Con đường làm quan vinh quang, sáng rỡ tốt hơn nhiều. Gia tộc không thể chỉ dựa vào buôn bán mưu sinh, gia giáo mới là thứ không thể thiếu. Có tiền tài nhưng không có gia giáo thì sao giữ được bản thân không bị choáng ngợp trong tiền tài. Nếu không giữ được, qua được mấy ngày thì cũng sẽ sụp đổ, thậm chí còn thê thảm hơn những nhà bình thường. Có gia giáo nhưng không có tiền tài, cứ đường đường chính chính làm việc rồi sẽ có phúc, có duyên trời ban.

- Mẫu thân biết, mẫu thân biết.

Triệu thị nói cho có lệ:

- Là mẫu thân muốn ở riêng, mẫu thân không muốn nhìn hai con cãi vã nhau mãi như vậy, nhất là đệ đệ con. Mười năm học hành gian khổ nhưng lại gặp kết cục như thế. Các con dù gì cũng là anh em, con không lo cho nó thì ai lo? Nhưng anh em cũng như vợ chồng, ngày qua ngày, mỗi năm một sóng gió, dù tình cảm tốt đến mấy cũng khó mà bền vững. Coi như con hiếu thuận với mẫu thân, chia nhà đi.

Đậu Hoán Thành thề trước mặt mẫu thân:

- Con nhất định sẽ chăm sóc đệ đệ, không cần ở riêng.

Triệu thị lắc đầu:

- Con hãy nghe mẫu thân. Tuy phụ thân con để lại gia tài bạc triệu nhưng cũng chẳng bằng một phần ba tiền tài của Đậu gia bây giờ. Mẫu thân định chia tài sản trong nhà làm ba, mẫu thân một phần, con một phần, đệ đệ con một phần. Mẫu thân sống với đệ đệ con, sau khi mẫu thân qua đời rồi thì phần của mẫu thân sẽ để lại cho nó...

Đây là muốn ở riêng hay chia tài sản?

Đây là ý của mẫu thân hay là ý của đệ đệ?

Đậu Hoán Thành không dám nghĩ nhiều, ông gật đầu.

Triệu thị mời Triệu cữu, lúc ấy là huyện lệnh huyện Chân Định cùng người nhà mẹ đẻ của hai cô con dâu làm người phân xử để chia nhà.

Nếu mẫu thân đi theo đệ đệ thì Đậu Hoán Thành nhường nhà lớn ở huyện Chân Định cho đệ đệ, mình xây một căn nhà năm gian ngói xanh ở phía đông.

Từ nay về sau, nhà họ Đậu chia thành hai.

Chi Đậu Hoán Thành ở phía đông thành nên người ta gọi là "Đông Đậu", Đậu Diệu Thành ở phía tây nên người ta gọi là "Tây Đậu".

Đậu Diệu Thành chính là tằng tổ phụ của Đậu Chiêu.

Quả đúng như Đậu Hoán Thành lo lắng. Chưa được vài năm, thê thiếp của Đậu Diệu Thành tranh giành tình cảm gây ra án mạng, thậm chí liên quan đến nhiều chuyện bẩn thỉu khác. Dù đã cố đè xuống nhưng chi Tây Đậu bị ảnh hưởng rất nhiều. Đậu Diêu Thành chưa đến bốn mươi đã qua đời, con trai lần lượt mất, chỉ còn lại tổ phụ Đậu Chiêu là Đậu Đạc.

Đông Đậu lại càng lúc càng thịnh vượng.

Đậu Hoán Thành có hai trai ba gái, chín cháu trai, ba cháu gái, hai mươi cháu ngoại trong đó có mười một trai và chín gái. Hai con trai và một con rể đều lần lượt đỗ tiến sĩ.

Ông không quên lời hứa với mẫu thân. Sau khi Đậu Diệu Thành qua đời, Đậu Hoán Thành đưa Đậu Đạc còn nhỏ tuổi về bên cạnh, giúp Đậu Đạc quản lý gia sản, tự mình dạy Đậu Đạc học, sau khi Đậu Đạc thành gia lập nghiệp lại trao trả tài sản về tay Đậu Đạc. Sau khi mất còn để lại di chúc: "Hai họ Đậu là người một nhà, ở riêng cũng không được phân chia gốc rễ".

Ấn tượng của Đậu Đạc về bá phụ còn sâu nặng hơn phụ thân. Ông coi Đậu Hoán Thành như cha mình, thân thiết với các anh họ như huynh đệ ruột. Sau khi sinh Đậu Thế Anh, cùng sắp xếp thứ tự anh em theo hàng "Thế" với Đông Đậu. Hai nhà tuy hai mà một.

Cho nên phụ thân Đậu Chiêu là độc đinh nhưng được gọi là thất gia.

Mà tam gia chính là con trai trưởng của nhị bá tổ* của Đậu Chiêu - Đậu Thế Bàng.

(Phát điên vì mấy cái danh xưng Hán việt này mất. Mọi người hiểu thế này nhé, Nhị bá tổ là con thứ hai của Đậu Hoán Thành, ngang hàng với Đậu Đạc, Đậu Chiêu phải gọi bằng ông ý ^^. Mình bình thường chỉ gọi là ông thôi chứ có phân biệt ông hai ông ba gì đâu ^^. Mấy cái thái tổ phụ, cố tổ phụ, tằng tổ phụ mọi người cứ hiểu các đời ông cố từ lớn đến bé hộ nhé. Mình sắp điên vì cái này rồi :((((

Chương 7: Nghi hoặc

Nghe nói Đậu Thế Bảng đến, phụ thân tự mình ra đón.

Hắn mang theo một giỏ cam. Đều là người trong nhà, mẫu thân và Đinh bà cô cũng không tránh mặt. Mọi người chảo hỏi nhau, Đậu Thế Bảng chỉ chỉ giỏ cam, cười với tổ phụ:

- Đại ca mang về, bảo con mang sang cho người nếm thử.

Sau đó lấy trong giỏ ra một quả cam nhỏ đưa cho Đậu Chiêu:

- Thọ Cô ăn cam đi.

Đậu Chiêu ngây người.

Mẫu thân lay lay nàng. Nàng thì thào cảm ơn.

Đậu Thế Bảng cười cười, vuốt tóc Đậu Chiêu.

Tổ phụ lên tiếng:

- Lên sập ngồi đi! Chỗ ta có Đại hồng bào của Thận Hành tặng.

Đinh bà cô vội đi sang phòng nhỏ bên cạnh pha trà.

Đậu Thế Bảng cũng không khách sáo, ngồi xếp bằng trên sập, đối diện với tổ phụ.

Đậu Chiêu cầm quả cam, im lặng rúc vào lòng mẫu thân, nhìn Đậu Thế Bảng không chớp mắt.

Tam bá phụ đã qua đời từ mười năm trước, nay lại xuất hiện trước mặt nàng, còn bảo nàng ăn cam!

Nhớ ngày nàng còn ở điền trang, cách một thời gian tam bá phụ sẽ đến thăm tổ mẫu, mỗi lần đến đều mang đồ chơi cho nàng, đôi khi là chiếc khăn đang thịnh thành hoặc là trâm cài đầu xinh đẹp, đồ ăn ngon, có lần còn tặng nàng đôi tượng đất nhỏ. Đôi tương đất có mắt to, mặt tròn tròn, mặc áo đỏ pha sắc vàng, cười tủm tỉm khiến đám trẻ con trong nông trang đều ghen tị. Nàng đặt đôi tượng đất ở bên cửa sổ, mãi đến khi mười hai tuổi rời nông trang thì đôi tượng đất mới được cất vào hòm xiểng, theo nàng từ huyện Chân Định tới kinh thành, để lại phủ Tế Ninh hầu.

Những năm tháng đó, mỗi lần tam bá phụ đến đều tựa như có những tia nắng mặt trời ấm áp chiếu rọi lên người nàng, khiến nàng rạng rỡ hơn, tỏa sáng hơn.

Nàng chưa bao giờ quên!

Ánh mắt Đậu Chiêu hơi nhòe đi, lại nghe Đậu Thế Bảng cười nói:

- ... Đại ca ngày càng yếu. Trong thư Lan ca nhi gửi mấy hôm trước viết rằng đại ca đã đau tim ba lần tính từ lúc sang thu, nhưng vì công trình trị thủy chưa xong nên không dám nghỉ ngơi. Đại ca gửi thư nói chờ thêm mấy ngày nữa, huynh ấy sẽ từ quan về quê, cùng thúc nghiên cứu kinh Dịch.

Tổ phụ đáp:

- Con đường làm quan dù vinh quang nhưng cũng rất vất vả. Ai bảo nó làm quan!

Nói xong ngừng cười, nghiêm túc nói :

- Bệnh tim của nó ngày càng nặng, đã mời đại phu chưa?

- Đã mời cả danh y Giang Nam mấy lượt rồi đó.

Đậu Thế Bảng nói :

- Nhưng họ cũng chẳng có phương thuốc hữu hiệu gì, chỉ dặn dò phải tĩnh dưỡng. Nhưng đại ca có thể nghỉ ngơi được sao...

Đậu Chiêu ở đó nghe, suy nghĩ đã bay xa.

Đại bá phụ là Đậu Thế Dạng, là con trưởng. Lớn hơn phụ thân những ba mươi tám tuổi, nhỏ hơn tổ phụ bốn tuổi. Đại bá phụ giống Tổ phụ, từ nhỏ đã theo học Đậu Hoán Thành, tuy là chú cháu nhưng tình như thủ túc. Khi Đậu Chiêu biết chuyện thì ông đã qua đời. Nghe nói vì tu sửa đê, lao lực mà chết ở phủ Dương Châu, ghi lại ở bia trong từ đường. Năm Kiến Võ thứ tư, Giang Nam ngập lụt, rất nhiều đê bị vỡ nhưng chỉ riêng đoạn đê do đại bá phụ tu sửa năm nào là không sao. Công trạng của đại bá phụ lại một lần nữa lưu truyền, hoàng thượng lại một lần ban chiếu khen ngợi.

Lan ca nhi là con trai độc nhất của đại bá phụ, năm đại bá phụ ba mươi sáu tuổi mới sinh được con trai. Lan ca nhi đỗ cử nhân năm hai mươi mốt tuổi, sau đó thi cao lên nhưng mãi không đỗ. Hoàng thượng nhớ công của đại bá phụ nên đặc cách ban chức quan ở huyện Câu Dung cho hắn. Lúc hắn đến kinh thành tạ ơn, người họ Đậu ở kinh thành tổ chức tiệc tẩy trần cho hắn, Đậu Chiêu vì mẹ kệ nên không gần gũi với Đậu gia, chỉ sai người đưa quà mừng qua.

Mình nên nhắc nhở tam bá phụ không nhỉ?

Nhưng tam bá phụ sẽ tin nàng sao?

Đậu Chiêu do dự nghĩ.

Đinh bà cô dẫn hai a hoàn bưng trà bánh vào.

Mẫu thân đặt nàng xuống đất, giúp Đinh bà cô rót trà, bưng điểm tâm.

Đậu Thế Bảng uống một ngụm rồi khen trà ngon, sau đó cảm thán:

- Cái này đúng là dựa vào núi ăn núi, dựa vào sông ăn sông!

Thận Hành là nhị bá phụ Đậu Thế Kỳ của Đậu Chiêu, là em ruột của Đậu Thế Dạng, nhỏ hơn Đậu Thế Dạng tám tuổi, lớn hơn Đậu Thế Bàng bốn tuổi. Năm hai mươi sáu tuổi thi đỗ tiến sĩ, sau đó làm bố chánh sứ ở Giang Tây.

Đậu Chiêu chỉ nghe nói về ông chứ chưa từng gặp. Lúc nàng ở huyện Chân Định thì ông nhậm chức ở bên ngoài, lúc ông cáo quan về quê thì nàng đã gả đến kinh thành.

Đại hồng bào là đặc sản núi Võ Di. Nghe khẩu khí của tam bá phụ, có lẽ tam bá phụ đang làm quan ở Phúc Kiến. 

Tổ phụ nghe xong cười nói:

- Dựa vào núi ăn núi, dựa vào sông ăn sông, mấu chốt là hai từ "dựa vào", sao có thể so sánh với ngươi được, chúng ta đều dựa cả vào ngươi đó.

Đậu gia nhiều người làm quan, những người "không để ý đến chuyện khác, một lòng đọc sách thánh hiền" lại càng nhiều hơn.

Đậu Thế Bảng quản lý việc của hai dòng họ Đậu.

Hắn nghe vậy thì cười cười, vẻ mặt ngượng ngùng.

Đậu Chiêu nhớ ra rồi!

Tam bá phụ không chỉ tham gia thi hương như nhị bá phụ, tứ bá phụ, ngũ bá phụ mà còn giống lục bá phụ, đại đường huynh Đậu Văn Xương, nhị đường huynh Đậu Ngọc Xương, tam đường huynh Đậu Tú Xương, tứ đường huynh Đậu Vinh Xương thi hương nhưng vẫn chưa đỗ.

Phụ thân thấy vậy thì bưng trà lên, hắng giọng:

- Uống trà! Uống trà!

Lại cao giọng bảo mẫu thân:

- Hiếm khi tam ca đến chơi. Nàng xuống bếp sai người làm mấy món nhắm rượu mang lên đây, ta cùng phụ thân và tam ca uống đôi chén.

- Không cần, không cần!

Đậu Thế Bảng liếc phụ thân, cười nói:

- Đại ca bảo ta qua nói mấy chuyện với thúc. Giờ cũng không còn sớm, ta phải về đây.

Lại nói:

- Sắp sang năm mới rồi, trong nhà có rất nhiều việc phải làm!

- Không mất nhiều thời gian đâu.

Tổ phụ cười nói. Phụ thân lại bảo mẫu thân:

- Nếu tam ca có chuyện muốn nói với phụ thân thì chúng ta về phòng trước.

Cũng mặc kệ sự kinh ngạc của mẫu thân, đẩy mẫu thân ra khỏi Hạc Thọ đường:

- Tam ca đến giờ này nhất định là có chuyện quan trọng.

Mẫu thân thoải mái lại, đã lâu không gặp phụ thân, nhìn phụ thân bằng ánh mắt dịu dàng như nước:

- Được, thiếp về hầu hạ tướng công nghỉ ngơi!

- Được, được!

Phụ thân đáp lời, quay đầu nhìn lại Hạc Thọ đường với vẻ mặt bất an.

Đậu Chiêu nhìn theo phụ thân.

Bốn phía im ắng, tuyết đọng lóe ra ánh sáng trong trẻo mà lạnh lùng trong đêm trăng. Ánh đèn trong thư phòng của tổ phụ trở nên ấm áp vô cùng.

Đậu Chiêu hồ nghi.

Mẫu thân lại chẳng hề có cảm giác, nói nói cười cười cùng phụ thân trở về phòng.

Có phụ nhân tóc bạc bước lên chào:

- Thất gia, thất phu nhân!

Trông rất nghiêm túc nhưng ánh mắt lại rất ấm áp.

Đậu Chiêu vừa thấy đã có cảm tình.

Mẫu thân giao nàng cho phụ nhân kia:

- Vú Du, hôm nay vú và Thọ Cô ngủ ở noãn các đi!

Vú Du cười đáp:

- Vâng!

Phụ thân ngạc nhiên hỏi:

- Nhũ mẫu của Thọ Cô đâu?

- Nàng ấy bị phong hàn.

Mẫu thân vừa nói vừa đi vào phòng:

- Thiếp sợ nàng lây bệnh cho Thọ Cô.

Phụ thân đi theo sau.

Đoàn người vào phòng.

Phụ thân và mẫu thân vào gian trong, vú Du bế Đậu Chiêu vào noãn các ở sau phòng.

Nàng còn chưa đợi được nữ nhân kia thì sao có thể rời mẫu thân!

- Mẫu thân! Mẫu thân!

Nàng giãy giãy trong lòng Du ma ma.

- Tứ tiểu thư đừng khóc, đừng khóc!

Vú Du dỗ nàng, bước đi nhanh hơn:

- Vú chơi dây với tiểu thư được không?

Phụ thân do dự nói:

- Hay là cứ để Thọ Cô ngủ cùng chúng ta đi...

- Cái này...

Mẫu thân nhìn phụ thân bằng ánh mắt u oán.

Phụ thân coi như không thấy, bảo vú Du:

- Bế Thọ Cô lại đây đi.

Vú Du chần chừ, liếc nhìn mẫu thân, thấy mẫu thân cắn môi không nói thì cười cười:

- Thất gia đi đường vất vả...

- Bảo ngươi bế lại đây thì bế lại đây đi. 

Phụ thân có vẻ không vui.

Vú Du giao Đậu Chiêu cho mẫu thân.

Phụ thân đón lấy Đậu Chiêu, bế vào phòng.

A hoàn bưng nước ấm và khăn mặt vào, hầu hạ hai người rửa mặt, chải đầu.

Mẫu thân hầu hạ phụ thân, phụ thân lại chơi với Đậu Chiêu. Đậu Chiêu cố bám lấy mẫu thân, kêu loạn lên, không khí ấm áp vui vẻ vô cùng. Đậu Chiêu cảm thấy rất thỏa mãn.

Cuối cùng Đậu Chiêu nắm áo mẫu thân, nằm giữa hai người.

Mẫu thân chống cằm, nhẹ giọng nói chuyện với phụ thân:

- Chàng vẫn ở ngõ nhỏ bên chùa Tĩnh An sao? Người đỡ đầu ở cùng chàng không?

Tay lướt qua Đậu Chiêu, nhẹ nhàng vuốt ve cánh tay phụ thân. Yếm đỏ thêu sen tịnh đế dưới ánh đèn trông vô cùng kiều diễm, tuyết trắng đẫy đà lộ ra phân nửa. Đậu Chiêu đỏ mặt, vội nhắm mắt lại, thì thầm trong lòng: "Mẫu thân, con biết tiểu biệt thắng tân hôn, con không nên phá hoại chuyện tốt của người nhưng thú thực con chẳng còn cách nào cả, chờ con giúp mẫu thân đuổi người kia đi thì con cũng đi..."

Phụ thân khép mắt, đáp:

- Mau ngủ đi! Sáng mai phụ thân còn kiểm tra ta đó!

Nói xong rồi xoay người.

Tay mẫu thân rơi vào khoảng không.

Nàng chu miệng.

Phụ thân ngáy khe khẽ.

Trong phòng lại yên tĩnh.

Mẫu thân nằm xuống, nhẹ nhàng nhéo mũi Đậu Chiêu, khẽ nói:

- Đồ trứng thối này!

Mẫu thân vừa đơn thuần lại vừa xinh đẹp, Đậu Chiêu suýt thì phì cười.

Có tiếng a hoàn vội vã chạy vào, cách màn bẩm:

- Thất gia, thất phu nhân! Đinh bà cô đến, nói rằng lão thái gia tìm thất gia có chuyện quan trọng, bảo thất gia lập tức qua đó.

Mẫu thân ngạc nhiên.

Phụ thân đang ngủ lập tức bật dậy hỏi:

- Ngươi nói gì? Lão thái gia bảo ta qua đó bây giờ á? 

Giọng nói có vẻ căng thẳng.

A hoàn đáp:

- Vâng!

Phụ thân thoáng chần chừ.

Mẫu thân nói:

- Vậy chàng mau qua đi ! Có khi liên quan đến việc đại bá dặn tam bá qua nói...

- Đúng vậy! Đúng vậy!

Phụ thân lẩm bẩm, mặc áo rồi xuống giường, cũng mặc kệ mẫu thân đang sai người mang thêm xiêm y cho hắn, vội vàng cùng Đinh bà cô đến Hạc Thọ đường.

Vú Du nhẹ nhàng bước tới, hỏi nhỏ:

- Có cần sai người qua xem không, thất phu nhân?

- Không cần đâu!

Mẫu thân lo được lo mất:

- Nhỡ đâu liên quan đến chuyện triều đình thì không hay... Chẳng phải còn có Đinh bà cô sao? Hỏi bà ấy sau cũng được.

Đậu Chiêu càng lúc càng nghi ngờ.

Từ lúc vào đến lúc đi, Đinh bà cô chỉ cúi đầu, không hề nhìn mẫu thân.

Chương 8: Sinh chuyện

Đậu Chiêu có lòng nhắc nhở mẫu thân vài câu, nghĩ mà xem, còn có một phòng a hoàn chưa xử lý xong, mẫu thân cũng đủ đau đầu rồi.

Nàng ngồi dậy, gọi lớn:

- Phụ thân!

Nếu mẫu thân đủ thông minh thì nên nhanh trí bế nàng đi tìm phụ thân.

Nếu tổ phụ trách cứ, chỉ cần đổ hết trách nhiệm lên đầu nàng. Chẳng lẽ tổ phụ còn định so đo với một đứa bé chưa hiểu chuyện?

Nhưng nàng đã đánh giá cao trí tuệ của mẫu thân, cũng đánh giá cao sức ảnh hưởng của mình.

Thấy nàng làm ồn, mẫu thân không vui, nhíu mày:

- Muộn thế này rồi sao con bé còn không ngủ?

Sau đó vú Du:

- Bế tiểu thư xuống đi! Nó làm ta đau đầu quá.

Vú Du cười áy náy với mẫu thân, nhanh chân nhanh tay mặc quần áo cho nàng:

- Tứ tiểu thư ngoan nào! Vú Du bế tiểu thư đi tìm nhũ mẫu! Tiểu thư đừng khóc...

Đậu Chiêu rất muốn học theo mấy người đàn bà trong thôn, lườm mẫu thân một cái khinh bỉ.

Sao mẫu thân có thể ngây thơ như vậy?

Nếu nàng giống mẫu thân thì e rằng đến mẩu xương cũng bị người ta ăn sạch.

Đậu Chiêu ôm màn, khóc đòi phụ thân nhưng vẫn bị vú Du bế ra phòng ấm phía sau.

Không còn mẫu thân, Đậu Chiêu cũng ngừng khóc, ủ rũ để vú Du đặt mình trên giường.

Vú Du yên lặng sửa lại tóc cho nàng, hoảng hốt nhìn Đậu Chiêu, thì thầm:

- Có phải tiểu thư cũng thấy hôm nay có chuyện lạ? Vú muốn lén đi xem, tiểu thư ngoan ngoãn ở đây đợi, đừng ầm ĩ được không?

Đậu Chiêu tỉnh táo.

Đúng là chân nhân bất lộ tướng. (Người khôn không để lộ là mình khôn)

Nhìn không ra vú Du lại khôn khéo như vậy.

Nàng mở to mắt, gật đầu như gà mổ thóc.

Vú Du sửng sốt, sau đó mỉm cười, cảm thán:

- Tứ tiểu thư của chúng ta thật thông minh. Còn nhỏ tuổi mà chuyện gì cũng hiểu, không như thất phu nhân...

Nói tới đây, bà tự gõ đầu, tự lẩm bẩm:

- Ta nói chuyện này với đứa trẻ con làm gì..

Sau đó gọi một a hoàn vào.

- Hàm Tiếu, ngươi ở đây với tứ tiểu thư. Ta qua Hạc Thọ đường xem sao.

Hàm Tiếu khoảng mười bảy, mười tám tuổi, dáng vẻ ngoan hiền, hiểu chuyện.

Nghe vú Du ma ma nói, nàng rất kinh ngạc nhưng nhanh chóng nghiêm nghị đáp "vâng", còn lanh lợi nói:

- Nếu có chuyện gì, con sẽ bảo Song Chi gọi vú.

Vú Du hài lòng gật đầu rồi ra ngoài.

Hàm Tiếu ngồi trên giường với Đậu Chiêu, thấy Đậu Chiêu không khóc không quấy, yên lặng như người lớn thì hơi mỉm cười, dịu dàng hỏi Đậu Chiêu:

- Tứ tiểu thư, nô tỳ ru tiểu thư ngủ nhé?

Đậu Chiêu lắc lắc đầu.

Hàm Tiếu cười càng tươi hơn, hỏi:

- Thế nô tỳ chơi dây với tiểu thư nhé?

Chẳng lẽ nàng thích chơi dây lắm sao ?

Đậu Chiêu lắc lắc đầu.

Hàm Tiếu hỏi tiếp:

- Thế tiểu thư muốn làm gì?

- Đợi... mẫu thân. Đậu Chiêu nói.

Hàm Tiếu kinh ngạc nhìn Đậu Chiêu.

Đậu Chiêu không để ý tới nàng, kéo cái gối lớn lại, dựa vào gối rồi ngẩn người.

Hàm Tiếu bật cười, đắp chăn mỏng cho Đậu Chiêu.

Nàng cảm nhận được sự khác thường từ thái độ của phụ thân với mẫu thân. Vú Du nhìn được sự khác thường từ đâu?

Còn có chuyện gì mà nàng không biết sao?

Đậu Chiêu trầm tư, mắt càng lúc càng nặng.

Không được, phải đợi vú Du về.

Nàng phải biết đã xảy ra chuyện gì!

Còn cả Thỏa Nương nữa! Rốt cuộc nàng là người thế nào?

Đậu Chiêu lắc lắc đầu, cố gắng tách mí trên với mí dưới ra.

Nhưng qua được mấy giây, mí mắt lại tự tiện nhắm lại.

Không thể ngủ!

Ngủ rồi chưa biết chừng nàng lại quay về mất.

Nhỡ nàng trở về với giấc mộng hoa tử đằng kia thì phải làm sao?

- Hàm Tiếu! Đậu Chiêu cố gắng trợn tròn mắt nói: 

- Gọi... Vú!

- Không được! Nô tỳ phải ở đây với tiểu thư. 

Hàm Tiếu xua tay.

- Ta sẽ ngoan. Đậu Chiêu nói.

Hàm Tiếu suy nghĩ một lúc, thấy vẻ mặt Đậu Chiêu càng lúc càng kiên định thì do dự nói:

- Được rồi, nô tỳ đi xem vú Dú đang làm gì?

Sau đó gọi Song Chi vào. Song Chi là tiểu cô nương mặt tròn tròn, nàng lặng lẽ ngồi cùng Đậu Chiêu.

Chỉ chốc lát, Hàm Tiếu đã quay về.

- Tứ tiểu thư, vú Du và phu nhân đến chỗ lão thái gia.

- À!

Đậu Chiêu bảo Hàm Tiếu đi tìm vú Du.

Bất luận thế nào Hàm Tiếu cũng không nghe :

- ... Bị phát hiện, nô tỳ không chết cũng bị lột da.

Điều này cũng đúng.

Đậu Chiêu là chủ mẫu, biết sự lợi hại của việc này.

Nàng chỉ có thể chờ vú Du và mẫu thân trở về, hận vì sao mình lại bị trói tay trói chân chứ không giống trong giấc mơ có gốc hoa tử đằng, muốn làm gì thì làm.

Thời gian dần trôi qua, mẫu thân và vú Du còn chưa thấy bóng dáng nhưng mí mắt Đậu Chiêu đã dính vào nhau không thể kéo ra nổi.

Nàng chìm vào giấc nồng.

Dường như chỉ trong nháy mắt, lại như cả ngàn năm đã trôi qua, Đậu Chiêu bừng tỉnh.

Nàng lập tức nhảy dựng lên.

Có người ở bên cạnh hô:

- Tứ tiểu thư.

Đậu Chiêu mở to mắt, thấy Song Chi đang mỉm cười.

Nàng thở phào nhẹ nhõm.

Vẫn còn ở trong mơ.

Nàng tỉnh táo lại, hỏi Song chi:

- Hàm Tiếu? Mẫu thân? Vú Du?

- Hàm Tiếu bị vú Du gọi đi rồi ạ.

Song Chi mặc quần áo cho Đậu Chiêu, gọi tiểu a hoàn bưng nước ấm vào.

Trong phòng lại trở nên náo nhiệt.

Đậu Chiêu giờ mới phát hiện, trời đã sáng bảnh.

Nàng híp mắt hỏi Song Chi:

- Hàm Tiếu đâu?

Song Chi cười nói:

- Ở chỗ lão thái gia.

Nói xong, cảm thấy rèm cửa bị vén ra một chút, có người đang nhìn vào trong.

Nàng trầm giọng, khẽ quát:

- Ai ở ngoài? Lén lút cái gì?

Lập tức có một tiểu a hoàn vén rèm cửa lên.

Người sau rèm lộ rõ, bất an vặn vẹo tay:

- Ta... Ta tìm tứ tiểu thư...

Sau đó hô lớn:

- Là tứ tiểu thư nhờ ta hỏi chuyện giúp tiểu thư...

Đậu Chiêu theo tiếng nhìn ra, thấy Hương Thảo.

Tim Đậu Chiêu đập nhanh một nhịp. Nàng gọi lớn:

- Hương Thảo.

Song Chi và tiểu a hoàn đều hoang mang nhưng vẫn cho Hương Thảo vào.

Hương Thảo đắc ý vênh mặt với hai người, chân chó chạy tới trước mặt Đậu Chiêu, khép nép thưa:

- Tứ tiểu thư, nô tỳ tìm được Thỏa Nương mà tiểu thư nói rồi.

Nói đến đó, giọng lại nhỏ xuống, nhìn nàng chờ mong.

Đậu Chiêu hơi mỉm cười.

Lúc ở phủ Tế Ninh hầu, nàng thấy nhiều a hoàn như này rồi.

Vì muốn trở nên nổi bật, chỉ cần có chút hi vọng thì bọn họ sẽ dùng hết sức để nắm bắt.

Nàng cũng không quá phản cảm với những người này!

Nếu ai cũng đều an phận thủ thường thì cuộc sống cần gì phải phấn đấu!

Chẳng qua Hương Thảo quá nóng nảy, gửi hết hi vọng cho đứa trẻ còn chưa hiểu chuyện, không biết mưu tính sâu xa, xem xét thời thế. Nhưng nàng vẫn phải cảm ơn Hương Thảo. Bằng không nàng sao có được tin tức của Thỏa Nương?

Đậu Chiêu nói với Song Chi:

- Thưởng! Hương Thảo!

Song Chiêu ngập ngừng.

Dù là chủ nhân thì tứ tiểu thư hình như cũng hơi... ít tuổi!

Có nên báo cho thất phu nhân biết không?

Nàng đang cân nhắc thì Hương Thảo đã hành lễ cảm ơn Đậu Chiêu, sau đó đến trước mặt Đậu Chiêu, líu ríu nói:

- Thỏa Nương là tiểu a hoàn ở phòng giặt đồ của hậu viện, là thất phu nhân mang về sau lần dâng hương ở chùa Đại Từ. Nô tỳ phải hỏi rất nhiều người trong phủ mới tìm được nàng ta. Tiểu thư tìm nàng ta có chuyện gì? Có cần nô tỳ gọi nàng ta tới không? Nàng ta rất dễ gần. Ngay cả những chuyện nặng nhọc nhất của phòng giặt đồ, nàng cũng không nề hà, mọi người ở đó đều quý nàng ta. Sau khi nô tỳ hỏi thăm, các nàng đã dẫn nô tỳ đi tìm người...

Đậu Chiêu hiểu ra.

Có thể là a hoàn bên cạnh mẫu thân hay nàng thì đều là những người hầu có uy tín trong Đậu phủ, sao có thể biết được a hoàn thô lậu của phòng giặt đồ? Như vậy, Thỏa Nương là a hoàn thô lậu ở Đậu phủ, năm đó đã xảy ra chuyện gì, nàng ta không chứng kiến, chỉ là về sau nghe người ta nhắc lại mà thôi. Cái này cũng giải thích được vì sao lời của Thỏa Nương lại không khớp với thực tế...

Mắt nàng giật giật.

Thật ư!

Chẳng lẽ tất cả những chuyện xảy ra trước mắt đều là thật ư?

Thế thì nàng đang ở đâu?

Một số suy nghĩ lúc trước đã xem nhẹ, giờ lại xoay vần trong đầu khiến Đậu Chiêu hết hồn, người lạnh toát.

Một tiểu a hoàn chạy vào.

- Không hay rồi, Song Chi tỷ tỷ.

Trông nàng ta kích động như gặp phải thiên địch.

- Hạc Thọ đường xảy ra chuyện rồi.

Đậu Chiêu sửng sốt.

Song Chi vội vàng hỏi:

- Xảy ra chuyện gì?

- Lúc thất gia ở kinh thành bị một nữ nhân mê hoặc. Muốn lấy nữ nhân đấy về, còn mời tam gia của Đông phủ đến nói đỡ. Lão thái gia giận dữ, cầm kiếm đòi giết thất gia đó!

Mặt nàng ta trắng bệnh. Đám a hoàn trong phòng cũng rối lên:

- Sau đó thì sao?

- May mà tam gia chưa đi, cản được lão thái gia.

Tiểu a hoàn kể:

- Nhưng thất gia quyết tâm muốn lấy nữ nhân đấy về, trời đông giá rét mà vẫn quỳ gối trên tuyết trắng xin lão thái gia đồng ý. Thất phu nhân tìm đến, thất gia lại cầu xin thất phu nhân khiến thất phu nhân giận muốn chết, không chỉ không đồng ý còn khóc mắng thất gia là kẻ vong ân phụ nghĩa. Đến lão thái gia cũng không cản được. Tam gia thấy thể thì bảo Đại Phúc lén mời tam phu nhân đến.

- Khó trách Hàm Tiếu bị vú Du gọi đi rồi không thấy tăm hơi!

- Chẳng lẽ nữ nhân đấy xinh đẹp hơn thất phu nhân?

- Cuối cùng thì lão thái gia có đồng ý cho nữ nhân kia vào cửa không?

- Thế thì trong nhà lại thêm một nữ chủ nhân sao?

Đám a hoàn bảy miệng tám lưỡi bàn tán, không ai để ý đến Đậu Chiêu.

Đậu Chiêu ngây người ngồi đó, vô cùng hoảng sợ.

Từ khi nàng bắt đầu quản lý công việc trong phủ Tế Ninh hầu cho đến khi trở thành đương gia vẫn luôn nghi ngờ. Tam bá phụ là người quản lý công việc của Đậu phủ, là trưởng bối được mọi người tôn kính, sao có thể năm ngày ba lượt đến nông trang thăm một người thiếp vốn ít khi liên quan đến Đậu gia như tổ mẫu?

Thì ra ông đến thăm nàng.

Thỏa Nương nói: "Mẫu thân bị ép tự tử".

Là người nói đỡ cho phụ thân, ông hẳn rất áy náy với nàng nên mới làm vậy?

Đậu Chiêu nhớ lại ánh mắt tam bá phụ nhìn mình.

Trong sự từ ái còn có xót xa.

Còn cả di chúc sau khi ông qua đời, ông cho nàng hết tất cả những bức họa, thư pháp của danh nhân đời trước mà ông sưu tầm được.

Khi đó, họ Đậu còn chưa ở riêng. Tam bá phụ không có tài sản riêng, chỉ để lại mấy nghiên mực, mấy viên đá ngọc thạch cho con đẻ là anh em Đậu Phồn Xương, Đậu Hoa Xương.

Nàng vẫn nghĩ đó là vì tam bá phụ rất thích mình.

Xem ra, thứ nhìn được không nhất định là sự thật, nghe được cũng không nhất định là sự thật. Thậm chí cảm nhận được cũng không nhất định sẽ là sự thật.

Đậu Chiêu ấm ách nói:

- Ta muốn... Thỏa Nương!

Chương 9: A hoàn

Đinh bà cô gả vào hơn một năm nhưng vẫn không có động tĩnh gì. Tằng tổ mẫu của Đậu Chiêu rất sốt ruột, lại nghe nói ở nông trang của Đậu gia có một gia đình họ Thôi sinh được tám trai hai gái, tất cả đều mạnh khỏe. Bởi vì nhiều con không nuôi nổi nên còn để hai đứa con trai ở rể nhà khác, giờ đang muốn gả đứa con gái lớn mười bốn tuổi đi.

Tằng tổ mẫu của Đậu Chiêu cảm thấy đây là ý trời. Trưởng nữ nhà họ Thôi cao lớn, có hơi thô kệch nhưng mặt mũi khá thanh tú nên bà chẳng bàn với tổ phụ của Đậu Chiêu mà đã dùng hai trăm lạng bạc cưới nàng ta.

Mười tháng sau, phụ thân của Đậu Chiêu chào đời.

Đứa bé vừa qua trăm ngày, tổ phụ Đậu Chiêu đã đưa tổ mẫu Đậu Chiêu đi, chỉ để lại Đậu Thế Anh còn quấn tã: "Ta tự mình nuôi đứa bé này, không thể để Thôi thị nửa chữ cũng không biết kia hủy hoại nó."

Cứ như vậy, Thôi thị bị đưa đến ở nông trang nhỏ chỉ hơn trăm mẫu ở thôn Đông Tích cho đến khi qua đời.

Cho nên về bản chất mà nói, Thôi thị vẫn chỉ là một nông phụ.

Những năm tháng Đậu Chiêu sống cùng bà, Thôi thị không chỉ đưa nàng ra sau nhà tưới rau, bắt sâu, làm cỏ mà còn dạy nàng cách trồng hoa màu, nuôi gà nuôi lợn... Theo lời Thôi thị: "Học được cách chăm sóc hoa màu thì đi đến đâu cũng không sợ đói!"

Đậu Chiêu lớn lên trong hoàn cảnh này, biết khi nào là vụ xuân, khi nào thu hoạch vụ thu, khi nào thì có đồ ăn gì, khi nào thì ấp trứng gà, thậm chí có thể căn cứ khí hậu mùa đông để dự đoán thời tiết năm sau. Không giống những tiểu thư nhà thế gia khác, ngược lại có phần giống con gái nhà phú nông hơn.

Lần đầu tiên gặp Thỏa Nương là hơn mười tuổi. Mọi người đều đang bận rộn cày cấy vụ xuân, tổ mẫu và người làm đều ra ruộng, nàng và vài a hoàn đứng dưới tán cây du trước phòng xem bọn trẻ trong nông trang hái quả du.

Một con sâu róm rơi trúng vai Đậu Chiêu khiến nàng hoảng hốt. Nàng lại bắt con sâu kia đi dọa đám a hoàn. Mọi người đuổi chạy la hét chói tai, rất hỗn loạn.

Chẳng biết Thỏa Nương từ đâu chạy tới, như phát điên đuổi đánh đám a hoàn, vừa đánh vừa mắng:

- Đây là tiểu thư, là tiểu thư Đậu gia! Sao các ngươi dám bất kính với tiểu thư? Ta đánh chết các ngươi, ta đánh chết các ngươi...

Nghĩ đến đây, Đậu Chiêu hơi kích động.

Sau khi kế mẫu vào cửa, người hầu hạ mẫu thân hoặc vì không có chỗ dựa thì bị bán, hoặc là được mẹ kế nói có công lao từng hầu hạ mẫu thân nên được chuộc thân, hoặc là bị đưa về nhà cữu cữu, không ai nói cho nàng chuyện của mẫu thân. Cho nên dù là tổ mẫu yêu thương nàng cũng từng nói với nàng rất nhiều lần: "Con người nên nhìn về phía trước, cứ hỏi những chuyện cũ thì có ích gì? Con chỉ nên nghĩ đến sau này phải sống thế nào, gả đến phủ Tế Ninh hầu rồi làm thế nào để mẹ chồng thích". 

Không ai biết được nỗi sợ hãi trong lòng nàng.

Mẫu thân chết thế nào?

Vì sao mọi người đều giữ kín như bưng?

Hồ thị bên cạnh kế mẫu Vương thị nói mẫu thân vì sinh con gái...

Thế chẳng phải là nàng đã hại chết mẫu thân?

Có phải vì thế nên nàng mới bị đưa đến chỗ tổ mẫu?

Lúc mẫu thân còn sống có bao giờ ghét nàng, có hối hận vì đã sinh ra nàng?

Càng lớn nàng càng không dám hỏi.

Cái chết của mẫu thân đã tạo thành một vết thương vĩnh viễn không thể lành trong lòng nàng.

Là Thỏa Nương nói chân tướng cho nàng, còn phản đối lại khi bị tổ mẫu trách cứ: "Con không biết đạo lý gì cả. Con chỉ biết Vương thị hại chết thất phu nhân, Vương thị là kẻ thù của tứ tiểu thư, là người hại tứ tiểu thư, khiến tứ tiểu thư mang tiếng là kẻ bất hiếu."

Đến giờ, Đậu Chiêu vẫn còn nhớ rõ vẻ khiếp sợ trên mặt tổ mẫu.

Sau này tổ mẫu chẳng nói gì, chỉ giữ Thỏa Nương ở lại nông trang.

Người hầu hạ mẫu thân năm đó rất nhiều nhưng suốt tám năm cũng chỉ có Thỏa Nương tìm được nàng, bênh vực nàng.

Tính cách nàng thế nào có thể hiểu.

Giờ Đậu Chiêu nửa bước cũng khó đi, rất cần một người nói gì nghe nấy.

Không còn ai thích hợp hơn Thỏa Nương.

Hương Thảo mặc kệ sự phản đối của Song Chi, chủ động gọi Thỏa Nương đến cho nàng.

Thỏa Nương ngơ ngác nhìn Đậu Chiêu, trong sự câu nệ và lo lắng, khẽ gọi:

- Tứ tiểu thư.

Thỏa Nương còn trẻ, da dẻ hồng hào, ánh mắt vừa dịu dàng vừa ngượng ngùng, khác hẳn với nữ nhân mặt mày tiều tụy, đầu tóc rối bù trong trí nhớ của Đậu Chiêu.

Đậu Chiêu xót xa.

Nàng hỏi Thỏa Nương:

- Ngươi... biết... ta sao?

- Biết ạ!

Nàng ta khẽ thưa:

- Trên đường đến đây, Hương Thảo đã nói cho nô tỳ biết. Tiểu thư là con gái của thất phu nhân, là tứ tiểu thư của Đậu gia.

Biết nàng là con gái của thất phu nhân là được rồi.

Đậu Chiêu mỉm cười gật đầu, vươn tay cho Thỏa Nương bế rồi nói:

- Chúng ta đến... Hạc Thọ đường. Song Chi... dẫn dường.

Thỏa Nương không hề do dự bế Đậu Chiêu lên nhưng Song Chi lại do dự nói:

- Nhỡ đâu...

- Ta muốn đi! 

Đậu Chiêu lườm Song Chi.

Song Chi cười ngượng ngùng.

Hương Thảo ở bên vội hỏi:

- Vậy còn nô tỳ? Tứ tiểu thư, nô tỳ thì sao?

Người bên mình không thể chỉ có một loại người, có đôi khi, sở trường sẽ thành sở đoản, sở đoản lại thành sở trường.

- Cũng đi đi! Đậu Chiêu cười nói.

Hương Thảo vui mừng reo lên rồi đi trước dẫn đường.

Cái này Song Chi có nghĩ cũng không nghĩ ra nổi.

Đoàn người đi tới Hạc Thọ đường.

Một gia đinh ngăn họ ở ngoài:

- Lão thái gia dặn không ai được vào!

Thỏa Nương bất an nhìn Đậu Chiêu.

Song Chi bó tay, chỉ thiếu điều mấy nói câu: "Ta cũng biết mà".

Hương Thảo lại cười, tiến lên gọi "ca ca" rồi nói:

- Chúng ta phụng mệnh của thất phu nhân, đưa tứ tiểu thư vào...

Sau đó nhìn vào trong Hạc Thọ đường.

- Chẳng phải bên trong ầm ĩ lắm sao? Thế nên chúng ta mới đưa tứ tiểu thư đến. Nếu ca ca không tin thì cứ vào bẩm một tiếng.

Gã kia cũng không kiên quyết, cho bọn họ đi vào trong.

Song Chi nói nhỏ:

- Ngươi to gan thật! Nhỡ đâu hắn đi hỏi thất phu nhân...

- Không đâu! Chúng ta không dám vào Hạc Thọ đường, chẳng lẽ bọn họ dám vào! 

Hương Thảo cười rất tự tin.

Đậu Chiêu thầm gật đầu.

Trong Hạc Thọ đường vang ra giọng nói hơi khàn khàn nhưng vẫn sắc nhọn của mẫu thân:

- ... Giờ chàng nói gì cũng muộn rồi! Chàng muốn nạp thiếp sao không nói thẳng với thiếp? Thậm chí còn mời tam bá phụ đến nói đỡ với phụ thân, chẳng qua là vì chính chàng cũng thấy làm vậy có lỗi với thiếp, mất đức của người quân tử, bị nữ sắc mê hoặc, muốn không có gì sơ hở nên mới dùng trưởng bối để đè ép thiếp mà thôi! Một khi đã thế, vậy mời trưởng bối hai nhà ra nói chuyện cho rõ ràng...

- Thất đệ muội, thất đệ muội...

Tam bá phụ cầu xin:

- Nạp thiếp chỉ là việc nhỏ. Nếu muội không đồng ý thì thôi, cần gì phải ầm ĩ lên rồi khiến mọi người cười chê? Vạn Nguyên, đệ mau xin lỗi đệ muội đi! Chuyện này dừng ở đây thôi. Ngàn sai vạn sai đều là ta sai. Xin đệ muội nể mặt ta mà thông cảm.

Vạn Nguyên là tên phụ thân.

Mẫu thân yên lặng, phụ thân nhỏ giọng nói gì đó, nghe không được rõ.

Đậu Chiêu vội nói:

- Chúng ta... vào!

Lúc này, Hương Thảo và Song Chi đã hoảng lắm rồi nhưng Thỏa Nương vẫn bế Đậu Chiêu vào phòng.

Người của Hạc Thọ đường không dám cản Đậu Chiêu.

- Ai?

Đinh bà cô đứng trước cửa, nghiêm nghị quát lớn. Đậu Chiêu chưa từng thấy như vậy bao giờ.

Thỏa Nương rụt vai nhưng lại nhanh chóng thẳng lưng, giọng nói run run mà vẫn không mất cung kính:

- Tứ tiểu thư bảo nô tỳ bế tiểu thư vào...

Nghe được tiếng động, mẫu thân lạnh lùng ngồi trên ghế thái sư và tam bá phụ đang xoa tay cầu xin đều ngạc nhiên quay lại. Phụ thân quỳ ở giữa phòng thì nhảy dựng lên, thẹn quá hóa giận, quát bọn họ:

- Sao lại thế này?

Tổ phụ không ở trong sảnh.

Đậu Chiêu còn chưa kịp mở miệng, mẫu thân cười khinh một tiếng rồi đứng lên.

- Chàng làm sai còn quát con cái gì?

Nàng vừa nói vừa đi đến bế Đậu Chiêu, sau đó dịu dàng hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Mắt nhìn Thỏa Nương một cái sắc lẻm.

Đậu Chiêu cướp lời:

- Mẫu thân, mẫu thân, con muốn... Thỏa Nương, con muốn... Thỏa Nương!

Mẫu thân nghĩ tới đám a hoàn còn nhốt trong phòng, nhíu nhíu mày.

Nàng không nhận ra Thỏa Nương!

Thỏa Nương là a hoàn chuyên làm việc nặng trong phủ, không đáng để nàng nhớ mặt.

Một tiểu a hoàn sợ sệt tiến vào bẩm báo:

- Tam phu nhân đến!

Tam bá phụ nghe vậy thì phấn chấn hẳn lên, chỉ muốn đuổi đám Đậu Chiêu để dễ nói chuyện.

- Chẳng qua chỉ là một a hoàn, Thọ Cô thích nó thì cứ để nó hầu hạ Thọ Cô đi.

Rồi ra dấu với phụ thân.

Phụ thân vội nói:

- Cứ để Thỏa Nương theo hầu Thọ Cô đi.

Tính tam bá mẫu cởi mở rộng lượng, nói năng hài hước vui vẻ. Tuy không ở đây nhưng từ trên xuống dưới Đậu gia đều rất thích bà. Có chuyện gì cũng đều muốn nhờ bà giúp đỡ. Tam bá mẫu đột nhiên đến, mẫu thân cũng hiểu đôi phần.

Nàng cũng muốn tướng công sớm từ bỏ ý nghĩ nạp thiếp.

Dù sao Thỏa Nương cũng là a hoàn trong phủ mình, chẳng lẽ còn sợ nàng ta chạy mất? A hoàn hầu hạ Thọ Cô đều đang bị nhốt, cứ để Thỏa Nương này tạm thời chăm sóc Thọ Cô, chờ nàng xong việc rồi cẩn thận tra xét lại là được.

Mẫu thân gọi vú Du:

- Đưa Thỏa Nương này đến phòng Thọ Cô.

Vú Du hoang mang nhìn Thỏa Nương rồi đáp lời.

Nhiều người như vậy, có vú Du, dù mẫu thân muốn chết cũng sẽ có người ngăn cản.

Đậu Chiêu không lo lắng nữa, kéo tay áo Thỏa Nương, ý bảo đi về.

Thỏa Nương còn đang ngây người vì sự bất ngờ này, đột nhiên từ một a hoàn chuyên làm việc nặng biến thành a hoàn hầu hạ tứ tiểu thư, cũng quên cả cảm tạ, bế Đậu Chiêu bước thấp bước cao ra khỏi Hạc Thọ đường.

Hương Thảo và Song Chi cũng đã nhận được tin.

Song Chi chúc mừng Thỏa Nương, khách sáo nói:

- ... Về sau chúng ta cùng chung một chỗ rồi.

Hương Thảo ảo não cúi đầu, vừa hối hận vừa buồn bã.

Đậu Chiêu mỉm cười, chỉ vào Hương Thảo, nói với vú Du:

- Ta muốn Hương Thảo.

Hương Thảo vừa mừng vừa sợ.

Vú Du cũng nghĩ giống thất phu nhân, hơn nữa Hương Thảo cũng hầu hạ trong phòng thất phu nhân, là đứa hiểu biết, không phải lo nó có tật xấu gì.

Vú Du dặn dò Hương Thảo:

- Nếu tứ tiểu thư thích ngươi thì ngươi theo hầu tứ tiểu thư đi! Phải nhớ làm tốt việc của mình, đừng để tứ tiểu thư tức giận...

Hương Thảo mừng rỡ không khép nổi miệng lại.

Nhũ mẫu trong phòng tứ tiểu thư phạm tội bị nhốt, dựa vào tính tình của thất phu nhân thì chắc chắn sẽ không dùng nữa. Nàng được tứ tiểu thư để ý đến, nói không chừng sau này có thể làm a hoàn hạng nhất đó!

Nàng càng nghĩ càng thấy tương lai tươi sáng. Vú Du vừa quay đi, nàng đã vội vàng cảm ơn Đậu Chiêu:

- Tứ tiểu thư, nô tỳ nhất định sẽ hầu hạ tiểu thư...

Đậu Chiêu khoát tay với Hương Thảo đang thao thao bất tuyệt, sau đó chỉ chỉ vào Hạc Thọ đường:

- Ngươi nghe... nói cho ta biết.

Nghe Đậu Chiêu nói vậy, ánh mắt Song Chi nhìn Đậu Chiêu có chút hoảng sợ. Đậu Chiêu cũng không thèm để ý.

Chỉ cần mẫu thân và các trưởng bối không nghi ngờ, đám a hoàn bàn luận thế nào thì cũng chỉ là bàn tán mà thôi.

Đậu Chiêu ra lệnh cho Thỏa Nương bế mình về phòng.

Nhân sự bên Tây Đậu đơn giản. Phía Hạc Thọ đường giương cung bạt kiếm khiến đám a hoàn rất lo lắng nhưng còn lâu mới đến mức độ gà bay chó sủa.

Song Chi dẫn Thỏa Nương và Hương Thảo vào phòng Đậu Chiêu, mọi người quây quanh hai nàng. Có người mắng trêu:

- Hương Thảo láo toét thật, cuối cùng cũng thực hiện được rồi. Không biết là học theo ai?

Lại càng nhiều người chào hỏi Thỏa Nương, tự giới thiệu:

- Ta là Ngân Hạnh.

- Ta là Đinh Hương!

Có người hỏi:

- Trước đó, tỷ làm ở phòng nào? Sao đột nhiên lại được đưa đến phòng tứ tiểu thư?

Thỏa Nương không quen với sự nhiệt tình như vậy, bẽn lẽn đáp lời.

Nghe nói nàng là a hoàn từ phòng giặt đồ, mọi người nhìn nhau. Không khí trở nên ngượng ngập.

Thỏa Nương thấy vậy thì càng ngượng ngùng.

- Được rồi! Song Chi giải vây cho Thỏa Nương:

- Có gì đợi lát nữa các ngươi nói sau. Giờ để thu xếp cho Thỏa Nương đã.

Sau đó nói:

- Phòng của ta và Hàm Tiếu tỷ tỷ còn hai chiếc giường, giờ cũng chẳng biết khi nào thất phu nhân mới về, bên cạnh tứ tiểu thư không thể thiếu người được. Ta thấy cứ để Thỏa Nương ngủ trong phòng ta đã, chờ thất phu nhân về rồi tính.

Thỏa Nương thở phào.

Mọi người cũng lấy lại tinh thần, xung phong nhận đi dọn đồ cho Thỏa Nương hoặc chủ động giúp Thỏa Nương dọn giường chiếu.

Thỏa Nương không chịu rời Đậu Chiêu nửa bước:

- Bên cạnh tiểu thư có ai hầu hạ không? Nô tỳ cứ chờ Hương Thảo đến rồi nói.

Đậu Chiêu hơi hơi cười.

Thỏa Nương rất hiểu lý lẽ.

Lúc nàng gả qua phủ Tế Ninh hầu, tiền đồ chẳng rõ, không dám đưa Thỏa Nương qua, chờ nàng đứng vững ở phủ Tế Ninh hầu, muốn đón Thỏa Nương thì Thỏa Nương đã qua đời vì bệnh.

Nghĩ đến đây, mắt nàng đỏ hoe, nhẹ nhàng nắm tay Thỏa Nương.

Thỏa Nương nghiêm túc nhìn nàng, trịnh trọng nói:

- Tứ tiểu thư yên tâm. Nô tỳ sẽ không rời tiểu thư một tấc.

Câu này khiến tất cả ngớ người, ai nấy cũng đen mặt. Ánh mắt nhìn Thỏa Nương không còn thân thiện nữa. Thỏa Nương lại không hề phát hiện, chỉ đứng bên cạnh nàng, không nói năng gì.

Song Chi đành tức giận sai a hoàn đến phòng giặt đồ báo tin, tạm dọn đồ của Thỏa Nương qua.

Mọi người chia nhau làm việc, không ai đến gần Thỏa Nương nữa.

Đậu Chiêu và Thỏa Nương trợn mắt nhìn nhau, đợi ở trong phòng.

Chỉ chốc lát, Hương Thảo chạy vào:

- Tứ tiểu thư, thất phu nhân và vú Du đã quay lại!

Không nhắc đến phụ thân. Tim Đậu Chiêu chìm xuống, hỏi:

- Phụ thân?

Hương Thảo lau mồ hôi trán, nói:

- Thất gia, lão thái gia, tam gia và tam phu nhân vẫn ở Hạc Thọ đường.

Đang thương lượng chuyện nạp thiếp? Hay là thương lượng làm sao để mẫu thân chịu chấp nhận?

Đậu Chiêu sốt ruột, leo xuống đất dưới sự giúp đỡ của Thỏa Nương rồi chạy vội ra ngoài.

Thỏa Nương và Hương Thảo bám sát theo sau.

Mẫu thân trông có vẻ bình tĩnh, đang được vú Du dìu vào trong.

- Mẫu thân, mẫu thân!

Đậu Chiêu xông đến.

Sắc mặt mẫu thân dịu đi kha khá, cúi người bế Đậu Chiêu, thơm lên khuôn mặt nhỏ nhắn của nàng rồi giao cho a hoàn:

- Chơi dây với tứ tiểu thư đi.

Hàm Tiếu vội bế Đậu Chiêu nhưng Đậu Chiêu lại kéo vạt áo mẫu thân không buông.

Mẫu thân mất kiên nhẫn:

- Con bé này sao không nghe lời thế? Mẫu thân còn có việc, con chơi với Hàm Tiếu đi.

Nói xong nhìn Thỏa Nương và Hương Thảo, chỉ hai người:

- Hay là chơi với bọn nó đi.

Đậu Chiêu biết mẫu thân giờ không có tâm trạng dỗ nàng, ngoan ngoãn để Hàm Tiếu bế. Chờ mẫu thân và má Du vào phòng, nàng tuột xuống khỏi người Hàm Tiếu, chạy vào trong.

Đám a hoàn không dám ngăn cản nàng.

Nàng thuận lợi chạy vào phòng.

Mẫu thân đang gục trên bàn, khóc nấc lên:

- ... Vú thấy đó, người còn chưa vào cửa mà chàng ấy đã che chở nàng ta, sợ nàng ta phải chịu tủi thân. Ta còn có thể nói gì. Ta chỉ có thể đồng ý cho nàng ta vào cửa! Ta muốn xem xem, nàng ta có bản lĩnh gì, dùng thủ đoạn gì khiến chàng ấy không phân biệt được cha mẹ, vợ con, đến danh dự, khí tiết cũng không cần!

Hai mắt của vú Du lóe sáng, nói nhỏ:

- Thất gia nạp thiếp, nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ. Phu nhân xem có nên phái người nói với cữu gia...

- Không được!

Không đợi vú Du nói xong, mẫu thân đã ngẩng phắt dậy, vội nói:

- Sang năm, đại ca sẽ vào kinh đi thi, bây giờ đang đóng cửa đọc sách. Dựa vào tính khí của đại ca, nếu biết ta gả chưa được ba năm mà Vạn Nguyên đã nạp thiếp, huynh ấy quyết không bỏ qua, không thể để chuyện của ta ảnh hưởng đến tương lai của đại ca.

Lại dặn dò vú Du:

- Vú là người hầu hạ mẫu thân ta, vú giấu ta làm gì ta cũng không so đo, ta biết vú muốn tốt cho ta. Nhưng việc này không nhỏ. Triệu gia ta đã bốn mươi năm rồi chưa có được một tiến sĩ. Nếu vì xảy ra chuyện gì thì chính là vú biến ta thành kẻ bất nghĩa, biến ta thành tội nhân thiên cổ của Triệu gia.

Vú Du gật đầu, xoay người đi lau nước mắt.

Cữu cữu tốt thế sao?

Đậu Chiêu bĩu môi, thầm nói với mẫu thân: "Mẫu thân cứ quấy rầy cữu cữu cũng được. Cữu cữu là tiến sĩ khoa Đinh Mùi, vừa đỗ đạt đã xin được chức quan còn khuyết ở Tây bắc, dẫn cả nhà đi nhậm chức, không về lại Chân Định."

Nàng chỉ gặp cữu cữu một lần vào ngày thành thân.

Mẫu thân có đại ca, lúc từ biệt người thân, nàng nể tình mẫu thân, cung kính dập đầu lạy cữu cữu ba cái.

Hình như cữu cữu rất kích động, ánh mắt nhìn nàng như thế "nhà có con gái mới lớn". Lúc ấy nàng rất vui mừng, nghĩ cữu cữu nhậm chức ở Tây Bắc, đường xá xa xôi nên không tiện liên lạc. Kế mẫu chỉ quan tâm đến con ruột của bà ta. Cữu cữu là người đọc sách, chắc chắn là tâm cao khí ngạo, không muốn chịu nhục nên mới không đến Đậu gia. Lần này, cữu cữu trở về tiễn nàng, xem ra trong lòng cữu cữu vẫn có đứa cháu này. Thậm chí nàng còn định hiếu kính cữu cữu cẩn thận, để cữu cữu kể lại chuyện mẫu thân năm đó cho mình.

Không ngờ nàng chân trước gả đi, cữu cữu chân sau đã quay về Tây Bắc, hơn nữa từ đó về sau bặt vô âm tín.

Coi như lúc trước cữu cữu kiêng dè kế mẫu nhưng sau khi nàng gả về phủ Tế Ninh hầu thì còn gì kiêng kị nữa?

Đậu Chiêu nghĩ thế nào cũng không rõ.

Sau này, biểu tỷ Triệu Bích Như nhà cữu cữu theo phu quân đến kinh thành nhậm chức, từng đến thăm nàng nhưng nàng lại dùng ba chén trà đuổi đi.

Người như vậy có thể trông cậy sao?

Đậu Chiêu nghi ngờ, nấp sau rèm lớn trầm tư.

Nếu mẫu thân đồng ý cho phụ thân nạp thiếp thì chẳng lẽ kế mẫu là được phù chính? (Phù chính: Nâng từ hàng thiếp lên hàng chính thất)

Nhưng lúc nào kế mẫu cũng tự hào nói: "Mình được Đậu gia cưới hỏi đàng hoàng, dùng kiệu tám người khiêng đưa về". Mà cũng không thấy ai phản đối?

Kế mẫu có thể giải tán a hoàn của mẫu thân, có thể uy hiếp, lợi dụng lũ hầu già của Đậu gia nhưng không lý nào những phu nhân quan lại quyền quý cũng trợn mắt nói dối theo.

Chẳng lẽ giữa đó còn có nữ tử khác?

Nhưng cũng không đúng, kế mẫu vào cửa rồi có thai, muội muội Đậu Minh chỉ nhỏ hơn nàng hai tuổi bảy tháng...

Đậu Chiêu càng nghĩ càng hồ đồ.

Hàm Tiếu đi đến, thật cẩn thận bẩm:

- Thưa thất phu nhân, tam phu nhân đến.

Mẫu thân vội lau nước mắt.

- Mau mời tam tẩu vào đây nói chuyện.

Rồi vội đứng dậy nghênh đón.

Vẻ mặt tam bá mẫu rất nghiêm túc, được hai a hoàn đỡ đi vào.

Thấy mẫu thân, mắt nàng đỏ lên, kéo tay mẫu thân.

A hoàn trong phòng đều lui xuống.

Tam bá mẫu không đợi vú Du dâng trà đã nói:

- Tẩu biết muội buồn, tẩu cũng không cản muội, muốn khóc thì cứ khóc đi. Nhưng khóc xong rồi thì phải lấy lại tinh thần. Nhìn thất thúc như vậy, sau này muội phải chiến đấu gian khổ đó!

- Muội biết!

Mẫu thân nói xong, nước mắt lại tuôn rơi. Nàng không kể khổ mà chỉ xin lỗi tam bá mẫu:

- Phía tam bá, xin tam tẩu nói giúp muội mấy câu. Muội giận quá nên mới nói những lời như lúc nãy. Xin tam bá nể tình trẻ tuổi, không hiểu chuyện, đừng so đo với muội.

- Muội nói vậy là khách sáo với chúng ta rồi.

Tam bá mẫu cũng khóc theo:

- Nói đến nói đi cũng là tam ca không đúng! Nếu tam ca không lỗ mãng thì thất thúc sẽ chẳng gây chuyện thế này...

- Chuyện này liên quan gì đến tam bá đâu?

Mẫu thân nức nở cắt lời tam bá mẫu.

- Nói là huynh đệ nhưng tam bá coi Vạn Nguyên như con, Vạn Nguyên có chuyện cần tìm, tam bá sao có thể khoanh tay đứng nhìn. Đều là Vạn Nguyên không đúng, chàng ấy bị ma ám... muội chỉ hận... Chúng muội lớn lên bên nhau từ nhỏ, đáng lẽ phải tốt hơn bất kì cặp phu thê nào mới đúng. Chàng ấy muốn nạp thiếp sao không bàn trước với muội? Muội không đồng ý, chàng ấy lập tức quỳ gối trên tuyết không đứng dậy... Phụ thân ngoài tứ tuần mới sinh chàng ấy, là độc đinh của dòng này. Chàng ấy coi là muội gì? Muội nghĩ mà chạnh lòng...

Lại gục xuống khóc òa.

- Đừng khóc! Đừng khóc!

Tam bá mẫu ôm mẫu thân:

- Đời người có ai không gặp phải khó khăn? Thất thúc còn trẻ, khó tránh khỏi có lúc hồ đồ. Tẩu cũng không sợ muội cười, đại bá đó, trầm ổn đúng không? Vừa đỗ tiến sĩ chẳng phải cũng học theo người ta, nạp thiếp. Lúc ấy đại tẩu cũng giận muốn khóc nhưng qua vài năm, qua thời hoang đường rồi mới nhận ra thê tử là tốt nhất, toàn tâm toàn ý sống bên đại tẩu. Đại tẩu đã sắp bốn mươi vẫn sinh thêm Lan Nhi... Có thể thấy, đôi khi lấy nhu thắng cương chứ không thể lấy cứng chọi cứng!

- Muội hiểu mà.

Mẫu thân ngồi thẳng dậy, lau nước mắt.

- Muội có chuyện muốn nhờ tam tẩu.

Gạt chủ đề kia qua một bên.

Tam bá mẫu khá bất ngờ, vội hỏi:

- Muội cứ nói đi. Chỉ cần tẩu giúp được thì sẽ giúp.

- Nếu nữ nhân kia muốn vào nhà chúng ta, vậy kiểu gì muội cũng phải đến gặp trước. Muội muốn mời tam tẩu và đại tẩu đi cùng.

Đây vốn là quy tắc của nhà giàu, cho dù đồng ý cho phu quân nạp thiếp nhưng cũng phải nhìn người đó thế nào. Nếu là nữ tử phong trần hay phẩm hạnh không tốt thì dù thê tử có từ chối yêu cầu của phu quân cũng sẽ không mắc phải tội "ghen tuông". Không thể so với đám thương nhân, không cần để ý gì, thích là cưới về nhà.

Tam bá mẫu hiểu ra:

- Được, được. Tẩu sẽ nói lại với đại tẩu.

- Vậy phiền tam tẩu rồi.

Mẫu thân nói xong rồi đứng lên:

- Để muội nói với Vạn Nguyên, bảo chàng ấy đưa người từ kinh thành về Chân Định.

Tam bá mẫu không nói thêm, cười cười vỗ vỗ tay mẫu thân:

- Thất đệ muội cũng đã trưởng thành!

Giọng nói vừa bùi ngùi vừa vui mừng.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp