Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 148-3: Người Hoa (3)


1 năm

trướctiếp

Cuối cùng là ban đêm vẫn cứ bò vào chăn của nàng, thở hồng hộc hôn nàng. Người ấy cũng nằm bên người chàng rồi, làm sao có thể kiềm chế được.

Đến khi đã ăn gần hết các món ăn chính trong lồng hấp, Phó Vân Anh thu dọn quần áo, chuẩn bị về kinh.

Lúc này Hoắc Minh Cẩm lại rất nghiêm chỉnh, khôi phục lại trạng thái ôn hòa trầm mặc hằng ngày, ngồi cạnh bàn
uống trà, nhìn nàng sửa soạn hành lý.

Nàng đi tới bên cạnh, sờ lên mặt chàng, "Ta phải đi rồi."

Hoắc Minh Cẩm đặt chén trà xuống, cầm tay nàng, "Ta đưa nàng về phủ."

Nàng lắc đầu, "Cửu ca sẽ tới đón ta."

Hoắc Minh Cẩm lại nói: "Chỉ tiễn tới đường cắt thôi."

Nàng nghĩ ngợi rồi ừm một tiếng.

Hôm sau, thuộc hạ của chàng lục tục quay lại, đứng ngoài cổng lớn chờ lệnh, Kiều Gia cũng ở trong đó.

Phó Vân Anh quay về mặc nam trang, trèo lên lưng ngựa.
Hoắc Minh Cẩm cưỡi con ngựa màu đỏ thẫm, đi theo bên cạnh.

Đoàn người ra khỏi sơn cốc, đi lên con đường núi bên ngoài, xa xa nhìn thấy một đoàn người khác tới đón.

Người thanh niên đi đầu đội khăn phúc, mặc áo bào cổ chéo, ống tay áo phồng lên trong gió, dáng vẻ xuất chúng.

"Nhị ca?" Phó Vân Anh giục ngựa đi nhanh vài bước, "Sao huynh lại tới đây?"

Phó Vân Chương siết chặt dây cương, mỉm cười quan sát nàng, thấy nàng mặt mày hồng hào, khí sắc rất tốt, nói: "Tới đây đón muội."

Hoắc Minh Cẩm cũng đi tới, chàng và Phó Vân Chương nhìn nhau.

Chàng lớn tuổi hơn Phó Vân Chương, lại có thân phận cao quý nên đương nhiên sẽ không gọi y là nhị ca giống như Phó Vân Anh.

Hai người gật đầu chào hỏi lẫn nhau. Đang định tách ra, từ hướng kinh sư, một con ngựa chạy như bay về phía họ,
vó ngựa đạp vang rền, tuyết và bùn đất văng khắp nơi.

Hoắc Minh Cẩm lạnh mặt, phất tay ra lệnh cho tùy tùng che chắn cho mấy người Phó Vân Anh ở phía sau. Phó Vân Chương nhíu mày, chắn trước mặt Phó Vân Anh.

Con ngựa kia nhanh chóng lại gần, người trên ngựa nhìn thấy Hoắc Minh Cẩm, vội vàng ghìm ngựa lại nhưng tốc
độ quá nhanh, phải đi hơn trăm bước mới dừng lại được, người nọ xoay người xuống ngựa, chạy một mạch tới cạnh Hoắc Minh Cẩm, nói: "Nhị gia, người Đại Phật Lang Cơ phái sứ giả tới triều." Nói rồi, người đó lấy ra một phong thư, đưa cho Hoắc Minh Cẩm.

Chàng giơ tay lên, các hộ vệ xung quanh lập tức quay đầu ngựa, chỉ trong vòng một khắc đã đi gần hết.

"Có chút việc." Chàng đưa thư cho Phó Vân Anh, nói. "Ta vào thành với nàng."

Phó Vân Anh nhận lấy phong thư, đọc kỹ, thở dài.

...

Vừa trở lại kinh sư, nàng đã thấy nội quan truyền chỉ đứng trước cửa Phó gia hắn đang vội vàng căng thẳng đến mức đi đi lại lại. Thấy nàng trở về, nội quan kinh ngạc, lại vui mừng nói: "Ngài về rồi! Vạn tuế gia sắp không chờ nổi nữa, bảo muốn phái người đi Lương Hương mời đại nhân về..."

Phó Vân Anh chào hỏi bọn họ mấy câu rồi quay về phòng thay quan bào.

Phó Vân Chương đưa cho nàng một chén trà, hỏi: "Có nghiêm trọng lắm không?"

Nàng lắc đầu, "Không đáng ngại lắm, không có gì nguy hại tới dân chúng ở Trung Nguyên."

Hoắc Minh Cẩm đại khái là vào thẳng trong cung, trước khi đến cổng thành đã tách ra. Nàng thay quần áo, cầm những công văn cần dùng theo, vội vàng lên ngựa, đi vào cung cùng với đám nội quan.

Trong cung Càn Thanh chỉ có hai vị đại thần, Phạm Duy Bình và Uông Mân. Ngoài ra còn có một số quan viên trong Lục Bộ. Thôi Nam Hiên đã xuống Triệu Khánh, phủ Quảng Đông.

Phó Vân Anh đi vào điện, Cát Tường mong ngóng nàng lâu ngày, đầu tiên chắp tay chúc mừng nàng: "Chúc mừng đại nhân tân hôn, diện mạo và nhân phẩm của đại nhân như thế này, chắc chắn cô dâu mới phải vui mừng lắm đây."

Nàng mỉm cười không nói lời nào.

Trong Noãn Các, vua tôi đang ngồi đối diện nhau, trên tường treo một bản đồ lớn. Tuyết đọng tan dần, nắng vừa trong vừa sáng, bình phong lớn đã được gỡ ra để ánh nắng chiếu vào, sáng bừng cả noãn các.

Phó Vân Anh đi vào, khóe mắt quét khắp cả phòng, Hoắc Minh Cẩm đi trước nhưng lại vẫn chưa tới. Lễ Bộ thị lang cũng ở trong Noãn Các, đang đứng báo cáo với Chu Hòa Sưởng về việc trong quốc thư mà sứ giả của người Đại Phật Lang Cơ đệ lên viết những gì.

Lữ Tống là một trạm trung chuyển lớn của việc buôn bán trên biển. Ở đây, những hàng hóa được người phương Tây yêu thích cuồng nhiệt như vải vóc tơ lụa, lá trà và đồ sứ được đổi thành những thuyền bạc trắng, đua trở về Trung Nguyên. Bạc trắng này phần lớn là do người Phật Lang Cơ vận chuyển từ nơi khác tới. Bọn họ mua hàng hóa của Trung Nguyên, chuyển về phương Tây, một chuyến đi như vậy có thể khiến một thương nhân chỉ có hai bàn tay trắng bỗng trở nên giàu có.

Lần này, nguyên nhân người Đại Phật Lang Cơ cử sứ giả tới triều rất đơn giản, ở cảng Lữ Tống, bọn họ đã liên hợp với dân bản xứ, tàn sát rất nhiều người Hoa. Sứ giả biện bạch rằng bọn họ tàn sát người Hoa cũng chỉ là do bất đắc dĩ mà thôi. Thương nhân người Hoa ở Lữ Tống không giống với người dân Trung Nguyên, họ là hạng người tham lam giảo hoạt, cùng một giuộc với giặc Oa, quấy nhiễu nghiêm trọng việc buôn bán trên biển ở cảng Lữ Tống nên bọn họ cũng là bị buộc phải làm vậy mà thôi.

Sau khi nghe Lễ Bộ thị lang báo cáo xong, Chu Hòa Sưởng uống một ngụm trà, nhíu mày trầm tư. Ngẩng đầu lên lại nhìn thấy Phó Vân Anh, hắn hơi sửng sốt.

Không biết có phải vì đã sang năm mới hay không, tuy mới có mấy ngày không gặp Vân ca nhi mà lại có cảm giác như thể đã qua rất lâu, rất lâu mới gặp lại đệ ấy, nói cho cùng vẫn có cảm giác gì đó khác lạ.

Phó Vân Anh đi vào, khom mình hành lễ.

Chu Hòa Sưởng ừ một tiếng, bảo nàng cứ chờ đó trước đã.

Phạm Duy Bình quay đầu sang đưa mắt ra hiệu với nàng.

Cát Tường đi tới bên cạnh nàng, nói cho nàng nghe kết quả mà các vị đại thần vừa bàn bạc xong.

Hiện giờ loạn trong giặc ngoài, phía đông bắc có Vệ Nô, phía bắc có Mông Cổ đang rục rịch, có vẻ như chuẩn bị ngóc đầu trở lại, phía nam cũng không yên, vùng duyên hải có giặc Oa quấy nhiễu, như vậy đã đủ sứt đầu mẻ trán. Bởi vậy, không nên có xung đột với người Đại Phật Lang Cơ nữa.

Hơn nữa, Trung Nguyên không mạnh về chiến đấu dưới nước, cả tàu thuyền và thủy binh đều không bằng người Đại Phật Lang Cơ. Bọn họ còn có Hồng Di đại pháo. Nếu thật sự có tranh chấp xảy ra, Trung Nguyên chưa chắc đã có thể giành chiến thắng

Hơn nữa, triều đình thi hành chế độ cấm biển, thương nhân người Hoa ở Lữ Tống đa phần là những kẻ tội phạm lưu lạc ở ngoài, không phải là dân chúng của quốc triều, là dân ngoại bang, không trung thành với Trung Nguyên, hơn nữa còn từng cướp bóc của người dân vùng duyên hải, không cần thiết phải vì những người như vậy mà khiến cho biên cảnh náo động.

Quan viên Lễ Bộ cho rằng người Đại Phật Lang Cơ cũng không hề trốn tránh trách nhiệm, chủ động cử sứ thần tới
trình bày rõ ràng nguyên do sự việc, như vậy có thể thấy được bọn họ biết Trung Nguyên cường thịnh, thật lòng ăn năn hối cải, không muốn đối địch với Trung Nguyên. Chỉ cần bọn họ thả những người còn sống sót ra, đền bù tổn thất, chúng ta là Thiên triều, nên rộng lượng không cần phải trở mặt với bọn họ làm gì.

Phó Vân Anh cười lạnh.

Đương nhiên nàng hiểu được nỗi băn khoăn của các đại thần, một hồi chiến tranh cũng có thể khiến cả một quốc gia suy sụp.

Các đại thần cho rằng chuyện ở hải ngoại chẳng có liên quan gì đến Trung Nguyên, Trung Nguyên đất rộng của nhiều, dù bên ngoài có náo động thế nào đi chăng nữa, chỉ cần giữ cửa cho kín, không cho cướp biển đánh lên đất liền thì bọn họ vẫn có thể phồn vinh, đông đúc, là quốc gia giàu có nhất trên đời.

Vệ Sở ở các nơi và Lương Hương mở rộng trồng trọt, sản lượng lương thực tăng cao, thậm chí vào năm mất mùa vẫn có thể đủ để nuôi sống một nhà mấy người, những loại lương thực đó đến từ hải ngoại.

Nàng đã căn cứ vào kinh nghiệm gieo trồng ở Vệ Sở và Lương Hương, dâng sớ lên Chu Hòa Sưởng, xin mở rộng phạm vi trồng trọt ở phương bắc, Chu Hòa Sưởng hết sức tán thành. Trong cung đã có những thứ xuất phát từ hải ngoại đó từ lâu, nhưng các vị quan lớn và những nhà quyền quý chỉ coi những thứ đồ hải ngoại đó là vật lạ để đem ra khoe khoang chứ không nghĩ tới việc giao cho dân chúng để trồng trọt. Hắn mở ra một khu gieo trồng ở Tây Uyển, lệnh cho người dưới gây giống, chỉ cần có thể ăn thì sẽ tiếp tục cải tiến.

Ăn no, dân chúng mới có thể an tâm mà sống.

Nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ, nếu biết tình trạng thiếu bạc có thể khiến cho sự phồn hoa của Giang Nam sụp đổ trong nháy mắt thì phải tìm ra biện pháp xử lý.

Người Phật Lang Cơ cử sứ thần tới triều cũng chẳng phải là do bọn họ ăn năn hối cải vì vụ tàn sát kia, mà là bọn sợ hãi Thiên triều, sợ bị trả thù nên mới phái người tới Trung Nguyên thử thái độ của họ.

Nếu như lần này nhẹ nhàng buông tha như vậy, về sau tất cả những thương nhân giàu có người Hoa ở khắp các đảo trên biển sẽ chỉ như cánh bèo trôi, không có chỗ dựa, bọn họ có thể trở thành oan hồn trước lưỡi đao của dân bản xứ bất cứ lúc nào.

Những kẻ đến từ ngoại quốc đó sẽ còn hãm hại bọn họ nhiều lần nữa.

Một bên là chế độ cấm biển đã dần mất đi tác dụng, một bên là đám giặc Oa ngày càng càn rỡ, đám thương nhân người Hoa thông đồng với giặc Oa để làm bậy, đám người Đại và Tiểu Phật Lang Cơ...

Buôn bán trên biển rối như tơ vò.

Theo ý Phó Vân Anh, nếu đã loạn tới mức khiến triều thần phải bó tay không đưa ra nổi biện pháp nào, thì chi bằng dùng cách đao sắc chặt đay rối [1].

[1] Sử dụng động thái quyết liệt để xử lý những vấn đề khó khăn rối rắm.

Trong lúc còn đang trầm tư, nàng nghe thấy Uông Mân chậm rãi nói: "Mỗi năm thuế quan thu được không bằng một phần trăm so với thuế ruộng."

Ông ta tính toán rồi phân tích cho Chu Hòa Sưởng nghe, trong lượng thu nhập từ thuế hằng năm, thuế ruộng thu vào ước chừng hai ngàn vạn lượng mà thuế quan chỉ thu được có hai mươi vạn lượng, buôn bán trên biển cũng không thể mang đến thu nhập cho quốc gia.

Vậy nên đất liền mới là căn bản, không nên vì chuyện náo động trên biển mà gây chiến tranh.

Quan viên Lễ Bộ phụ họa theo.

Chu Hòa Sưởng nghe hết ý kiến của mấy vị đại thần, phất tay bảo bọn họ ra ngoài.

Nội quan vào báo, Hoắc đốc sư tới.

Chu Hòa Sưởng vội kêu mời vào, hỏi ý kiến của chàng.

Hoắc Minh Cẩm lãnh đạm trả lời: "Nghe nói thành lũy của đảo Song Ngư là do người Đại Phật Lang Cơ và Tiểu Phật Lang Cơ xây dựng, chúng có tàu hay pháo tốt, hoành hành trên biển, chưa từng có đối thủ, thần nguyện đánh với chúng một trận, xem bản lĩnh của chúng thế nào."

Chàng nói năng đơn giản khiêm tốn, tựa như những lần xuất chinh trong quá khứ.

Chu Hòa Sưởng vui mừng khôn xiết, trước đó hắn từng suy xét tới việc phái ai đi tấn công đảo Song Ngư, người khác thì không được việc, Hoắc Minh Cẩm thì chắc hắn không mời được, không ngờ chàng lại chủ động nói ra.

Hắn không muốn làm theo lời các vị đại thần, cứ tùy tiện buông tha cho người Đại Phật Lang Cơ như thế. Cứ coi như triều đình không muốn báo thù cho những thương nhân người Hoa chết thảm đó đi, vậy thì cũng nên tỏ thái độ một chút, dạy cho người Đại Phật Lang Cơ một bài học.

Nhân dịp này phải đuổi đám người Đại và Tiểu Phật Lang Cơ cùng đám giặc Oa đang chiếm cứ đảo Song Ngư đi, Hoắc đốc sư đích thân suất binh xuất chinh, nhất định bách chiến bách thắng!

Tác giả có lời muốn nói:

Cuối cùng Anh tỷ nhi chắc chắn sẽ công khai thân phận nữ tử.

Sự kiện tàn sát người Hoa là có thật trong lịch sử, tuy nhiên tương đối phức tạp, tất cả những điều viết trong truyện đều là giả thiết cho phù hợp tình tiết, không giống với lịch sử thật sự.

Chú thích của editor:

- Súng đại bác phương Tây nào thì triều Minh cũng gọi là Hồng Di đại pháo hết.

- Cho bạn nào không biết thì thuế quan là thuế xuất nhập khẩu. Mình chính là đứa không biết đó. Nghe rất quen nhưng vẫn phải đi tra.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp