Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 152-2: (ba) (2)


1 năm

trướctiếp

Phó Vân Anh gật đầu, Đổng thị viết thư cho mấy người Lý Xương, nhắc nhở bọn họ Hoắc Minh Cẩm gặp nguy hiểm, dù nàng ta có mục đích gì, cứ gặp nàng ta trước cũng chẳng sao.

Thấy nàng không hề trách tội, Lý Xương còn cảm thấy xấu hổ hơn, tự hối hận rằng khi nãy đã mất kiểm soát. Nếu như người kia thật đúng là mật thám bị người khác gài vào, chẳng phải hắn đã trúng kế rồi sao? Hắn càng nghĩ càng thấy sợ, xin phép ra ngoài, nghĩ kỹ lại xem mấy hôm nay mình đã làm những gì, có chỗ nào sơ hở hay không.

Chỉ chốc lát sau, ám vệ tới báo, Đổng thị tới.

Phó Vân Anh bảo cho nàng ta vào.

Đổng tiểu thư là thiên kim nhà quan, người trong phòng cứ cho rằng người đi vào sẽ là một tiểu thư khuê các nhưng lại nghe thấy bước chân dồn dập. Một người phụ nữ chừng ba mươi tuổi, dáng người nhỏ nhắn, da ngăm đen, mặc áo vải thô màu nâu bạc màu, váy điệp màu gụ, tóc trên đầu được bọc lại bằng một chiếc khăn bằng vải bông màu lam, bên mái cài một đóa hoa trắng bước vào trong phòng. Nàng ta chào hỏi: "Phó đại nhân."

Tiếng nói thanh thúy, tựa như bánh rán giòn ăn mỗi dịp Tết đến, cắn một cái là sẽ vang lên tiếng coong coong

Nàng ta dùng lễ ôm quyền, chứ không phải là lễ vạn phúc.

Phó Vân Anh gật đầu chào hỏi nàng ta. Đổng tiểu thư nhìn nàng chằm chằm một lúc lâu, khóe miệng cong lên, lộ ra mấy cái răng trắng tinh.

Không cần thử nữa, chỉ cần nhìn thái độ của Phó đại nhân thôi, nàng ta đã biết mình đã tìm đúng người rồi.

Phó Vân Anh mời nàng ta ngồi xuống, "Cô viết phong thư này là có mục đích gì?"

Đổng tiểu thư nghiêm túc trả lời: "Thật không dám giấu giếm, Phó đại nhân, cái chết của gia phụ năm đó có nguyên nhân sâu xa."

Nàng ta dừng lại một chút, nén sự phẫn nộ và đau đớn trong lòng xuống, từ từ kể ra ngọn nguồn về cái chết của Đổng Hàn Chi năm đó.

Đổng Hàn Chi đắc tội quá nhiều người. Trong kinh, phe phái chủ trương nới lỏng lệnh cấm biển muốn đưa ông ta vào chỗ chết. Ở địa phương, đặc biệt là vùng duyên hải Mân Chiết, từ các gia tộc lớn cho đến dân chúng bình thường, ai cũng muốn diệt trừ ông ta cho xong chuyện. Phe phái kia cho rằng nên xóa bỏ việc cấm biển, vậy nên khi đối phó với cướp biển đáng ra phải dụ dỗ là chủ yếu,
không nên đuổi cùng giết tuyệt. Lúc Đổng Hàn Chi giết giặc Oa lại ra tay quá tàn nhẫn, hoàn toàn đối lập với quan điểm của họ.

Trong khi đó, những gia tộc giàu có, có thế lực ở vùng Mân Chiết lại lén cấu kết với giặc Oa sau lưng triều đình trong nhiều năm, bí mật vận chuyển hàng hóa ra biển buôn bán, tiến hành việc buôn lậu trong một thời gian dài. Bọn họ không những có đội tàu riêng mà còn tự thành lập lực lưỡng vũ trang, qua lại với Tây Dương, hoành hành ngang ngược. Trước thế lực lớn này, quan viên địa phương chỉ có thể nhắm một mắt mở một mắt.

Dân chúng bình thường không ruộng không đất, không thể có được đội tàu như các gia tộc kia, nên đã đầu quân cho bọn họ, giúp bọn họ vận chuyển hàng hóa, dựa vào việc buôn lậu để nuôi sống cả gia đình.

Có thể nói, ở Mân Chiết, gần như là nhà nào cũng nhúng tay vào việc buôn lậu. Cái gọi là giặc Oa có hơn một nửa là dân địa phương ở Mân Chiết.

Bởi giết được một tên giặc Oa sẽ được nhiều tiền thưởng hơn so với việc giết được một tên hải tặc bình thường, mỗi lần cướp biển ở vùng duyên hải gây rối đều bị quan phủ địa phương báo lên triều đình là giặc Oa tấn công, dần dần, cướp biển lưu vong trên biển đều trở thành giặc Oa cả.

Đổng Hàn Chi trời sinh chính trục, ghét ác như thù, vô cùng thống hận giặc Oa, ông ta suất binh tấn công vào các đảo nhỏ, hủy thuyền buôn của cướp biển, cắt đứt những mối buôn bán giữa Trung Nguyên và phương tây, đốt cháy thành lũy nhà cửa trên đảo, phong tỏa cảng, truy sát giặc Oa, chỉnh đốn phòng thủ trên biển, liên tiếp giành chiến thắng mấy lần, giết chết mấy chục thương nhân buôn lậu.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cách làm của ông ta đã xâm phạm đến lợi ích của những gia tộc giàu có vùng Mân Chiết.

Những người này không cần biết cướp biển là ai, bọn họ chỉ muốn kiếm tiền nên nhất định phải qua lại với cướp biển, Đổng Hàn Chi lại chắn ngang con đường buôn lậu của bọn họ, tương đương cắt đứt nguồn tiền của bọn họ.
Sau nhiều lần xích mích, xung đột, ông ta bị những nhà quyền quý ở địa phương oán hận.

Người dân bình thường không kiếm được tiền, cũng oán thán rầm trời. Ngự sử trong triều và quan viên ở địa phương cùng nhau kí tên dâng sớ buộc tội Đổng Hàn Chi, nói ông ta lạm sát kẻ vô tội, coi mạng người như cỏ rác. Triều đình hạ chỉ cách chức Đổng Hàn Chi.

Lúc nhận được chiếu thư, Đổng Hàn Chi cả người đẫm máu, mới vừa từ trên chiến trường trở về doanh trại. Sau khi đọc chiếu thư, ông ta biết được triều đình sắp phái người áp giải ông ta về kinh thẩm vấn, vừa đau lòng vừa
phẫn nộ, cười ha hả mấy tiếng, nôn ra máu, bệnh cũ tái phát, ốm đau liệt giường. Mấy ngày sau, Đổng Hàn Chi lìa đời.

Kể về cảnh ngộ của cha mình, Đổng tiểu thư nước mắt giàn giụa, nghẹn ngào nói: "Gia phụ tuyệt đối không phải bị bệnh qua đời, khi đó có người cho ông uống nước lã,
ông mới có thể sốt cao liên tục như thế, thầy thuốc cũng đã bị những thế gia kia mua chuộc, đơn thuốc ông ta khai
căn bản không đúng bệnh!"

Đối với cái chết oan ức của Đổng Hàn Chi, phần lớn những người trong triều đều tỏ ra thương cảm bởi ông ta thanh liêm cả đời, thật sự là một vị quan tốt không hề nghĩ đến lợi ích của bản thân. Nhưng mà cách làm của ông ta quá cứng nhắc, không để lại đường sống cho dân chúng địa phương, tuy đánh thắng nhưng lại bị toàn thể mọi người công kích, đại thần trong triều cũng không cảm thấy ngạc nhiên.

Nước quá trong ắt không có cá, xử lý việc cấm biển cần phải thận trọng mới phải.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp