Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 166-5: Kết cục (năm) (5)


1 năm

trướctiếp

Triệu Thiện mỉm cười, lắc đầu, phất tay, bảo nha hoàn ra ngoài. Đám nha hoàn khom lưng lui ra.

"Con à, người Hồ Quảng ai cũng biết thời mẹ còn con gái, nhà mẹ rất nghèo, không có của đồ cưới, chẳng có ai dám cưới. Sau đó, mẹ vẽ liền một tháng được một rương tranh, Phạm gia vô cùng mừng rỡ, cưới mẹ về nhà..."

Triệu Thiện kể lại chuyện cũ, hai mắt hơi nheo lại, nếp nhăn hằn sâu.

Phạm Duy Bình nghiêm túc lắng nghe.

Triệu Thiện cười chế nhạo, "Người đời ai chẳng thích nghe những câu chuyện hay... Một tháng mà có thể vẽ được cả một rương tranh sao?"

Bà cúi đầu nhìn xuống đôi tay mình.

"Con à, khi mẹ còn nhỏ, nhà vẫn giàu có lắm. Triệu gia là tộc lớn, tuy nhà mẹ đẻ của mẹ chỉ là một chi xa thứ xuất nhưng làm gì đến mức ăn không đủ no. Nhưng mà không may mẹ lại có một người anh trai thích đánh bạc, hắn đánh thua hết gia sản của cả nhà, bao gồm cả đồ cưới
mà ông nội mẹ để lại cho mẹ."

Nói đến đây, Triệu Thiện cười lạnh. Dù sau bao nhiêu năm đi chăng nữa, bà vẫn không thể quên nổi được cảm giác tuyệt vọng và bất lực của bản thân mình năm đó.

"Mẹ mẹ thiên vị người anh kia, bởi mẹ là con gái, anh trai mẹ là con trai, chuyện gì mẹ cũng phải nhường một bước. Anh trai mẹ dùng hết của đồ cưới của mẹ, mẹ mẹ không thương mẹ thì thôi, lại còn tiếp tục bán của cải, ruộng đất để anh trai mẹ trả nợ, ép mẹ phải bán tranh. Tuy khi ấy mẹ còn nhỏ tuổi nhưng mẹ theo học một người thầy có tiếng, một bức họa có thể bán được mười lượng bạc. Mẹ mẹ, anh trai mẹ, chị dâu mẹ, tất cả bọn họ đều ép mẹ, nếu như mẹ không vẽ, bọn họ sẽ đánh mẹ, mắng mẹ, không cho mẹ ăn cơm, phạt mẹ quỳ trên nền gạch giữa ngày đông lạnh giá..."

"Mẹ!" Nghe đến đó, mắt Phạm Duy Bình đỏ hoe, đứng bật dậy, "Sao từ trước đến nay người chưa từng kể cho con nghe những chuyện này!"

Triệu Thiện mỉm cười nhàn nhạt, "Toàn là chuyện đã qua, có gì hay đâu mà kể."

Phạm Duy Bình thở dài.

Triệu Thiện nói tiếp: "Sau này những bức họa của mẹ dần nổi danh, giá cả càng ngày càng lên cao, anh trai và chị dâu mẹ sợ sau này mẹ lấy chồng sẽ bỏ mặc nhà mẹ đẻ nên vừa bán tranh lại vừa giả nghèo giả khổ, cứ có ai tới cầu hôn lại thi triển công phu sư tử ngoạm, đòi tới mấy vạn lượng sính lễ. Anh trai mẹ muốn gả mẹ cho em trai của chị dâu mẹ, như thế cả đời này mẹ sẽ phải nghe lời
hắn. Ban đầu Phạm gia và nhà mẹ đẻ của mẹ vốn đã có hôn ước nhưng thấy mẹ mẹ quá tham lam, lão thái thái tức giận đến mức định hối hôn."

"Mẹ biết, nếu mẹ không gả ra ngoài thì cả đời này sẽ không thoát được sự khống chế của anh trai và chị dâu. Anh trai mẹ vẫn thích đánh bạc, thường xuyên không ở nhà. Mẹ và chị dâu của mẹ luôn trông chừng mẹ, không cho mẹ ra ngoài. Mẹ vừa vẽ tranh theo đơn đặt hàng của
người ta vừa lén vẽ thêm những bức tranh khác cho mình, sau đó giấu tranh đi... Vì thế, mắt mẹ gần như mù tới nơi... Đến khi mẹ tích cóp được cả một rương tranh thì người Phạm gia lại tới bàn chuyện hôn nhân, mẹ lừa nha hoàn đi chỗ khác, xông vào chính đường, đem rương tranh kia ra cho họ xem, nói với Phạm gia đây là đồ cưới của mẹ."

Mãi tới ngày hôm nay, Triệu thị vẫn còn nhớ như in cảnh mình xông vào chính đường hôm đó.

Cạch một tiếng, trước mặt tất cả mọi người, bà mở chiếc rương gỗ sơn đen mà mình vẫn giấu dưới gầm giường, lấy tất cả tranh trong đó ra. Bà biết, đó là cơ hội duy nhất của bà, nếu hành động chậm một chút, rất có thể bà sẽ bị kéo vào nhà trong rồi từ đó về sau bà thật sự sẽ không trốn thoát được nữa. Người Phạm gia nhìn thấy cả một rương tranh như thế, vô cùng vui mừng còn mẹ và anh bà thì kinh ngạc tới mức trợn mắt há mồm.

Nỗi đớn đau và cay đắng năm đó nặng nề biết chừng nào nhưng giờ nhắc đến thì cùng lắm cũng chỉ là mấy câu nói mà thôi.

Khi đó Triệu Thiện mới có mười mấy tuổi, chỉ biết ru rú trong nhà, chẳng có kiến thức gì, nhát gan, ngoan ngoãn
nghe lời. Đối với bà mà nói, phải khó khăn lắm bà mới có thể lấy hết can đảm để phản kháng lại người nhà.

Mãi tới khi thật sự thoát khỏi mẹ và anh trai của mình, gả vào Phạm gia, nhớ lại, bà mới cảm giác được sự sợ hãi.
Người đời không biết nỗi vất vả của bà, họ ca ngợi rương tranh kia như một câu chuyện gì đó tao nhã lắm, nói nhà bà nghèo khó, bà lao đầu vào việc vẽ tranh, chỉ cần một tháng đã gom góp đủ đồ cưới.

Chị em dâu nhà họ Phạm hỏi bà về chuyện này, bà chỉ cười mà không nói. Nói ra thì có ích lợi gì chứ? Các chị em dâu có lẽ sẽ thông cảm cho bà, thương hại bà, rồi chẳng bao lâu sau sẽ đem chuyện này đi kể khắp mọi nơi.

Sau khi gả vào Phạm gia, bà sợ người Phạm gia cũng sẽ tham lam giống người nhà mẹ đẻ, lấy cớ bận việc nhà, không vẽ tranh nữa.

Bà sợ vẽ, nhìn thấy bút vẽ đã buồn nôn. Mãi tới lúc chồng bà qua đời, để nuôi gia đình sống qua ngày, lấy tiền cho con trai đi học, bà mới cầm bút vẽ lần thứ hai.
Không phải cho nhà mẹ đẻ, không phải cho nhà chồng, bà tự vẽ cho chính mình và con trai, bà dựa vào đôi bàn tay của mình nuôi sống cả nhà. Lần này bà mới thực sự yêu những bức họa của mình.

Triệu Thiện nói dứt lời, Phạm Duy Bình đã khóc không thành tiếng.

Ông ta đứng dậy, quỳ rạp xuống chân mẹ mình, nức nở nói, "Mẹ, con bất hiếu, không biết năm đó người từng đau khổ như vậy..."

Vành mắt Triệu Thiện cũng đỏ hoe, bà đưa tay vuốt nhẹ lên mặt con.

"Con của mẹ, cuộc đời này của mẹ, có thể nuôi con khôn lớn, thấy con ra làm quan, nhìn con thành gia lập nghiệp, mẹ đã thỏa mãn lắm rồi, nhưng mẹ sẽ không dừng lại ở đó. Trước kia tam thúc từng muốn mẹ nhận Vân ca nhi làm học sinh, mẹ từ chối. Khi đó mẹ không biết con bé là con gái. Nếu biết, mẹ đã nhận con bé làm đồ đệ."

Bà thở dài thườn thượt, vẻ mặt thẫn thờ. Một lúc sau, bà lại cười.

"Nhưng mà bây giờ chưa phải là muộn, Phó Vân Anh có thể lấy thân phận nữ tử ra làm quan, Dương Ngọc Nương có thể lấy thân phận nữ tử rong ruổi sa trường. Tuy là mẹ đã lớn tuổi nhưng mẹ không chịu già! Không thể thua hai người trẻ tuổi ấy được. Hơn một nửa số học sinh nữ được nhận vào học đường ở Kinh Tương là những đứa trẻ mồ côi không ai nhận, mẹ muốn tới dạy những cô bé ấy vẽ tranh. Nếu tìm được hạt giống tốt, mẹ sẽ nhận cô bé ấy làm học sinh, truyền thụ cho cô bé ấy toàn bộ tài nghệ của mẹ."

Bà đứng dậy, nhìn bức tranh hoa lan trên bàn mà mình vừa vẽ xong.

"Mẹ là mẹ của con, mẹ biết con có hiếu, muốn mẹ ở nhà dưỡng lão... Nhưng mẹ cũng là Triệu Thiện, mẹ là nữ họa gia. Cả đời này, thế nào mẹ cũng phải sống vì chính mình một lần."

Không phải là con gái của ai, em gái của ai, vợ của ai, mẹ của ai, bà chỉ là bản thân bà, Triệu Thiện.

Đôi mắt Phạm Duy Bình nhòe đi trong nước mắt, ông ta quỳ trên mặt đất, ngước nhìn mẹ mình. Đây là lần đầu tiên ông ta nhìn thấy mẹ mình có những biểu cảm như thế

Kiêu hãnh, tự hào, thần thái sáng láng.

...

Hôm nay, Vương các lão chủ trì, mở tiệc chiêu đãi quan viên Lục Bộ.

Để thể hiện sự thanh liêm, buổi tiệc được tổ chức ở một tửu lâu bình thường trên phố.

Đám quan viên đều uể oải ủ rũ, Phó Vân Anh bị nhốt vào tử lao, bọn họ không thể không tiếp nhận công việc nàng để lại, tuy cũng chẳng phải là việc to tát gì nhưng lại rất rườm rà. Ngày nào Hoàng thượng cũng thúc giục, bọn họ không dám lơ là, bận tới mức vắt chân lên cổ.

Rượu được ba tuần, Uông Mân nói ra một tin xấu làm tâm trạng mọi người càng tồi tệ hơn.


"Nghe thái giám trong cung bảo thánh chỉ sắc phong Phó Vân Anh làm quý phi đã viết rồi rồi, cũng đã đóng dấu, cung Vạn An đã được trang hoàng lại theo quy cách cung Khôn Ninh của Hoàng hậu, thậm chí còn xa hoa hơn."

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp